Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu chuyện từ REE

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2006 - 2007, Công ty CP cơ điện lạnh (REE) nổi lên trên TTCK Việt Nam như một doanh nghiệp bluechip hàng đầu với lượng tiền mặt dư dả, giá cổ phiếu tăng liên tục, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài luôn đạt kín room (49%).

Câu chuyện từ REE - Ảnh 1

Theo đà hứng khởi của thị trường và cũng giống khá nhiều công ty khác, REE nhảy vào lĩnh vực đầu tư tài chính. Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính xảy ra, REE đã ngã đau. Công ty lỗ 153 tỷ đồng sau thuế do trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán và bán lỗ chứng khoán. Sa lầy vào đầu tư tài chính là vấn đề lớn của REE lúc đó, trong đó có những khoản đầu tư ở mức giá rất cao như đầu tư vào cổ phiếu ACB, ASM... Phải mất đến 4 năm sau, khi thời cơ vàng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đến, REE mới giải quyết được triệt để vấn đề đầu tư tài chính kém hiệu quả: Cắt giảm, cơ cấu lại toàn bộ danh mục. Đầu tiên phải kể đến việc REE đã khá thành công trong việc thoái vốn tại NHTM Sacombank, nơi REE là cổ đông lớn. Sau thương vụ này, REE thu về khoản lợi nhuận trị giá 279 tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc thoái vốn này, ngoài có thêm lượng tiền mặt lớn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, REE đồng thời cho thấy thái độ dứt khoát với lĩnh vực đầu tư tài chính ngoài ngành. Chính vì thế, ngay sau đó, REE cũng giã từ hoạt động ủy thác đầu tư, một lĩnh vực được REE đầu tư không ít vốn trước đây.

Thoái vốn khỏi những ngành kinh doanh không phải sở trường của mình, REE tập trung đầu tư vào ba mảng kinh doanh chính, gồm: Cơ điện (M&E), sản xuất và thương mại, khai thác bất động sản cho thuê. Ngoài lý do là sở trường, REE chọn đầu tư vào ngành năng lượng vì lĩnh vực này được coi là hoạt động ổn định bất chấp suy thoái kinh tế; cầu vượt xa cung; thu nhập ổn định. Quan trọng hơn, REE đã chọn được thời điểm thích hợp để thực hiện M&A khi giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp năng lượng giảm sâu. Mục đích của REE khi đầu tư vào các công ty năng lượng là biến họ trở thành công ty liên kết của REE và lợi ích chính của chiêu thức này là kiểm soát được thông tin trong doanh nghiệp, giảm thiểu việc trích lập dự phòng, vì số cổ phiếu lưu hành sẽ giảm xuống và được ghi nhận tỷ lệ lợi nhuận trên tỷ lệ góp vốn. Đường đi nước bước của REE cho thấy, sau khi sa lầy trong kinh doanh, từ một công ty đầu tư đa ngành nghê,  REE đã từng bước định hướng lại chiến lược phát triển, từ bỏ đầu tư tài chính và chuyển sang đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực cốt lõi và cũng là thế mạnh của REE.