Ở lần thứ 10 này, triển lãm “phân khúc” thời gian 30 năm để kể về một Hà Nội năng động, sáng tạo và không ngừng đi lên trong hành trình đổi mới.
Từ ý tưởng
Đã 10 năm nay, mùa heo may tháng 10 nào, “Hà Nội trong tôi” cũng hẹn hò người yêu nhiếp ảnh Thủ đô với một câu chuyện riêng kể về mảnh đất linh thiêng, hào hoa này. Dù là những khoảnh khắc của nghệ thuật và ngẫu hứng, song lời kể chuyện bằng hình ảnh năm nào cũng gắn liền với những “mốc” lịch sử quan trọng của đất và người Hà Nội. Thế nên năm nay, “Hà Nội trong tôi” chọn chủ đề “Hà Nội – hành trình 30 năm đổi mới” cho chuỗi ảnh kể chuyện của mình.
Những người làm triển lãm nói rằng, đây chính là lời tự hào nhất và cũng chân thành nhất để khẳng định những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội giành được trong 30 năm đổi mới, nhất là sau sự kiện mở rộng Thủ đô năm 2008 đến nay và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ TP. Lời tự hào này sẽ thổi vào trái tim thế hệ trẻ ngọn lửa kế thừa và phát huy truyền thống dám nghĩ, dám làm, đoàn kết, năng động, sáng tạo; tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền TP. Lời tự hào và chân thành này cũng sẽ góp tiếng quảng bá hình ảnh Thủ đô năng động, thân thiện, giàu bản sắc văn hóa - điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và du khách, đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Không chỉ lãnh đạo TP, mà rất nhiều người trong giới nhiếp ảnh, người làm văn hóa, ghé thăm “Hà Nội trong tôi” năm ngoái có chung cảm nhận, những bức hình đặt trong không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám – một Di sản thế giới của Hà Nội, thật hài hòa và ý nghĩa. Đến dự lễ khai mạc triển lãm 2014, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh còn bày tỏ: Các tác phẩm trưng bày tại đây không chỉ dừng lại tại một cuộc triển lãm mà được phổ biến rộng rãi tới công chúng trong và ngoài nước, để những giá trị văn hóa Hà Nội mãi mãi tỏa sáng; triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” sẽ trở thành điểm hẹn của người yêu nhiếp ảnh, yêu Hà Nội. Thật vui vì đó cũng chính là ý tưởng và mong muốn từ lâu của những người thực hiện triển lãm này.
Đến câu chuyện 30 năm
Câu chuyện Hà Nội 30 năm đổi mới đã hình thành bằng các tác phẩm mà các “tay máy” trong Câu lạc bộ nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội, các phóng viên, cộng tác viên của báo Kinh tế & Đô thị đã thực hiện và lưu giữ trong những năm tháng làm nghề. Câu chuyện kể bằng 80 khoảnh khắc đầy dấu ấn của Hà Nội, từ buổi đầu chập chững xa dần “vòng tay” bao cấp để chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Nhiều bỡ ngỡ đấy, song lại như thể được… cởi trói để sáng tạo và tung cánh. Ở đó có những con người Hà Nội đang hối hả bắt nhịp với sự chuyển đổi kinh tế mới; những con người cần mẫn lao động, khắc phục khó khăn thiếu thốn, nhanh nhạy và sáng tạo vươn lên nắm bắt khoa học công nghệ, phát triển kinh tế và dựng xây cuộc sống mới… Và một Hà Nội năng động, hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc đã dần hiện lên trên những công trình, cây cầu, con đường, những dây chuyền sản xuất, những cánh đồng mướt mải gối vụ, những làng nghề đang hối hả hội nhập…
Câu chuyện “đặt” Hà Nội 30 năm trước cạnh Hà Nội hôm nay ở cùng một nơi chốn và một góc nhìn, khiến cảm nhận về sự đổi thay như vỡ òa trong người xem. Ai có thể ngờ, từ những mậu dịch quốc doanh khiêm tốn, Hà Nội giờ tấp nập siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhỏ; từ buổi thực phẩm, đồ dùng phân phối theo tem phiếu, Hà Nội giờ chất ngất hàng hóa, đa dạng chủng loại và kiểu cách cho người tiêu dùng thoải mái lựa chọn; từ thời những thứ mà dân làng nghề làm ra chủ yếu để phục vụ người làng và bán buôn nhỏ lẻ, Hà Nội giờ đã nổi danh những lụa Vạn Phúc, nón Chuông… xuất khẩu hàng hóa và “biết” níu chân khách du lịch; từ thời sản xuất thủ công trong các nhà máy, giờ Hà Nội đã san sát các dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại; từ thời “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, giờ Hà Nội đã có những đại lộ sáng bừng ánh điện, những cầu vượt vắt cong qua ngã tư đường phố… Chắc chắn sẽ là sự ngỡ ngàng khi đối diện với những “cặp ảnh xưa và nay” nói được rất nhiều điều về sự thay da đổi thịt của đất và người Hà Nội, như: Đường Nguyễn Trãi năm 1992 – đường Nguyễn Trãi hôm nay; Đường Láng Hạ năm 1993 – Đường Láng Hạ hôm nay; Đường Liễu Giai năm 1994 – Đường Liễu Giai – Văn Cao hôm nay...
80 khoảnh khắc thôi, nhưng cũng đủ để phô bày trước công chúng những gì mà đất và người nơi này đã nỗ lực và quyết tâm “đến đích”. Bởi điều ấy không chỉ hiển hiện trong việc phát triển kinh tế, quản lý đô thị, mà còn là những “phong thái” rất Hà Nội. Ấy là sự quan tâm đầu tư đặc biệt cho giáo dục, là chính sách trọng dụng nhân tài, là chú tâm học hỏi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, là nỗ lực bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa, là công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, là sự mến khách, thân thiện trong phát triển du lịch và giao lưu hội nhập quốc tế…
Chắc chắn sẽ là lời nhắc nhớ về hoài niệm, sẽ là tràn ngập niềm tự hào, sẽ là sự nối dài tình yêu Hà Nội đối với thế hệ những người Hà Nội hôm nay khi ngắm nhìn lại những khoảnh khắc ghi dấu ấn của sự đổi mới đi lên. Chỉ vậy thôi đã đủ ấm lòng và đủ thôi thúc để những người nghệ sĩ có mặt trong các kỳ “Hà Nội trong tôi” suốt 10 năm qua tiếp tục mê mải vác máy đi tìm những khuôn hình đẹp của Thủ đô ngàn năm. Và những câu chuyện kể về mảnh đất linh thiêng, hào hoa này sẽ còn đi cùng “Hà Nội trong tôi” trên hành trình tháng năm phía trước.
Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Trọng Đạt
|
Khách quốc tế tham quan ảnh trưng bày triển lãm chiều 26/10. Ảnh: Thanh Hải
|