Hội nhập là tất yếu Và trong bối cảnh đó, việc báo chí Việt Nam phải giao lưu hội nhập với báo chí quốc tế là một tất yếu. Với vị trí địa chính trị quan trọng, Việt Nam đã và đang là một ưu tiên trong chiến lược mở rộng thị trường tại châu Á. Làng báo Việt Nam đã xuất hiện hầu hết các thương hiệu nhượng quyền của các tờ báo giải trí nổi tiếng như Vogue, Elle, Cosmopolitan… Từ các hãng tin uy tín khu vực như KBS (Hàn Quốc), NHK (Nhật Bản), CRI (Trung Quốc) đến các “ông lớn” của thế giới như BBC (Anh), VOA (Mỹ), RFI (Pháp), Sputnik (Nga) đều có bản Việt ngữ. Đổi lại, nhiều tờ báo của Việt Nam đã có phiên bản tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật, Tây Ban Nha…
Điều này cho thấy, Việt Nam đã hòa nhập rất nhanh vào dòng chảy của báo chí xuyên biên giới. Nhiều hãng tin lớn thế giới và của các nước đã coi các nội dung trên phiên bản tiếng nước ngoài của báo Việt Nam là nguồn tin quan trọng. Điển hình như việc hàng trăm tờ báo lớn, nhỏ trên thế giới đều đăng tải thông tin, hình ảnh về Tổng thống Mỹ Barack Obama và đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain dùng bún chả tại Hà Nội. Nhờ đó, một Việt Nam có môi trường an ninh ổn định, cảnh quan đẹp, các món ăn độc đáo, là điểm đến an toàn trở nên gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. Thực ra, khả năng của người làm báo Việt Nam không thua kém các đồng nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, do điểm yếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị tác nghiệp ngoại ngữ... nên báo chí Việt Nam có ít văn phòng đại diện tại nước ngoài và khó trở thành một thế lực trong làng báo châu Á khi so sánh với Singapore, Thái Lan, Malaysia. Vươn ra sân chơi toàn cầu Trong làng báo cả nước, báo chí Thủ đô được đánh giá là hội nhập rất nhanh và sâu rộng với ngành công nghiệp báo chí toàn cầu nhờ TP triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại. Hầu hết các tờ báo lớn trên địa bàn Thủ đô đã có chuyên trang tiếng nước ngoài và nhiều hoạt động hợp tác quốc tế. Những nội dung trên các ấn phẩm tiếng nước ngoài của TP đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; củng cố, nâng cao vị thế của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế, mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị của Thủ đô với các đối tác, góp phần đấu tranh với các luận điệu sai trái, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch… Trong xu thế phát triển hội nhập nhanh của cả nước nói chung và sự năng động chủ động, hội nhập của Thủ đô nói riêng như hiện nay, các nội dung thông tin trên Kênh thông tin đối ngoại chủ lực của TP Hanoitimes – Chuyên trang tiếng Anh của báo Điện tử Kinh tế & Đô thị đã đáp ứng yêu cầu tuyên truyền về vai trò của Thủ đô trong sự phát triển của đất nước và trong môi trường toàn cầu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả nhiều quốc gia trên thế giới về Hà Nội. Để không bị đào thải và vươn ra sân chơi toàn cầu, ngoài sự sắc sảo, nhạy bén, người làm báo Việt Nam phải là những người giỏi ngoại ngữ và rành công nghệ, có khả năng tác nghiệp trên các nền tảng khác nhau từ máy tính, smartphone, các thiết bị đeo thông minh… Theo TS Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập, để bắt kịp xu hướng hội tụ truyền thông và truyền thông đa phương tiện, mỗi nhà báo phải chủ động học tập kiến thức cơ bản và hiện đại, tích cực tiếp cận và rèn kỹ năng nghề nghiệp tích hợp. Điều đáng nói là tại Việt Nam, chưa có trường đại học nào có liên kết với nước ngoài để đào tạo cấp bằng liên quan đến lĩnh vực đào tạo báo chí, truyền thông bởi đào tạo nhân lực báo chí tại nước ngoài là vô cùng tốn kém. Vì thế, nhiều người trong ngành hy vọng, Chương trình liên kết đào tạo cấp bằng Cử nhân Quảng cáo, Quan hệ công chúng và truyền thông của Học viện Báo chí & Tuyên truyền với trường Đại học Middlesex (Vương quốc Anh) sẽ triển khai vào mùa Thu tới, sẽ góp phần đào tạo những nhà báo chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức, có kỹ năng sản xuất các sản phẩm báo chí đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của báo chí quốc tế hiện đại.
Kênh thông tin đối ngoại Hanoitimes giúp báo chí Thủ đô hội nhập với quốc tế. |