Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu cũ xập xệ, cầu mới... chờ vốn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thay thế 2 cây cầu tạm làm bằng sắt từ hàng chục năm qua đang xuống cấp nghiêm trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi qua sông Nhuệ, cuối năm 2010, UBND huyện Thường Tín đầu tư xây dựng cầu Đen mới trên địa bàn xã Khánh Hà. Dự kiến, thời gian thi công 24 tháng sẽ hoàn thành, nhưng đến nay, dự án (DA) vẫn dang dở.

Qua tìm hiểu được biết, những năm 1990, để khắc phục việc đi lại bằng thuyền kéo dây của người dân làng nghề cơ khí thôn Liễu Nội mỗi khi qua sông Nhuệ, các cấp chính quyền huyện Thường Tín đã đầu tư làm cầu Đen bằng sắt rộng 2,5m, dài 72m để phục vụ người dân. Hiện nay, toàn bộ những thanh sắt ở chân, lan can, mặt cầu đã hoen gỉ và mỗi khi có phương tiện đi qua, cây cầu lại rung lên bần bật...

Sau nhiều lần địa phương đề nghị, cuối năm 2010, UBND huyện đầu tư xây cầu Đen mới. Nhưng, hơn một năm nay DA bị dậm chân tại chỗ dù cơ bản công trình đã gần xong nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

 
Mỗi lần qua cầu phao, người dân phải trả 2.000 - 3.000 đồng.  Ảnh: Nguyễn Hữu
Mỗi lần qua cầu phao, người dân phải trả 2.000 - 3.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Hữu

Cách cầu Đen cũ hơn 1km, là cầu phao tạm bằng sắt rộng gần 2m, dài hơn 70m được bà Trương Thị Dâm đầu tư công sức, tiền của làm năm 2003. Xuất phát từ việc năm 2000, hàng chục hộ dân thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà sang xứ đồng Thiên xây nhà ở và làm mô hình kinh tế trang trại. Mỗi khi qua sông, người dân của thôn phải đi vòng vèo 3 - 4km mới đến trung tâm xã. Cây cầu được thiết kế cột khung sắt cắm trên những chiếc thuyền. Lan can và mặt cầu được làm bằng sắt đã hoen gỉ, gỗ, tre mục nát, nhưng hiện nay mỗi ngày vẫn phải "gồng mình" đưa hàng trăm lượt người, phương tiện qua sông. Mỗi lượt qua sông, bà Dâm thu từ 2.000 - 3.000 đồng. Theo người dân phản ánh, mỗi khi nước sông Nhuệ dâng cao, cầu phao nổi tròng trành trên mặt nước nên việc đi lại rất nguy hiểm. Khi nước sông cạn, cầu phao lại chìm theo dòng nước khiến đường dẫn xuống hai đầu cầu dốc, được làm tạm bợ trơn trượt dễ gây nguy hiểm.

Để giải quyết khó khăn cho người dân, cuối năm 2010, UBND huyện Thường Tín phê duyệt đầu tư DA xây cầu Đen mới với tổng kinh phí 25 tỷ đồng và giao Ban Quản lý DA huyện làm chủ đầu tư. Theo cam kết, cuối năm 2012 DA sẽ hoàn thành. Nhưng hơn một năm qua, do thiếu vốn nên nhà thầu ngừng thi công khiến DA dang dở và người dân vẫn chịu cảnh qua sông bằng "cầu tạm".

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Khánh Hà Nguyễn Văn Long cho biết, việc chậm thông cầu Đen mới đã gây khó khăn cho đi lại, lưu thông hàng hóa của làng nghề cơ khí Liễu Nội. "Vừa qua, nhà thầu đã cam kết sẽ chuẩn bị phương tiện, vật tư để tiếp tục thi công. Khi nào cầu Đen mới hoàn thành, UBND xã sẽ đề xuất với UBND huyện thanh lý cầu Đen cũ và cầu phao tự phát của bà Dâm để đảm bảo an toàn cho người dân khi qua đây" - ông Long nói.Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Ban Quản lý DA huyện Thường Tín - ông Bùi Công Thản lý giải việc chậm hoàn thành DA cầu Đen mới tại Khánh  Hà như đề ra ban đầu là do khó khăn về vốn. Để khắc phục, vừa qua, Ban Quản lý DA đã làm việc với nhà thầu tìm giải pháp tháo gỡ, đồng thời  báo cáo UBND huyện đề xuất hướng giải quyết. Ông Thản khẳng định: "Tới đây, nhà thầu sẽ tiếp tục thi công nốt hai đường dẫn lên cầu, cuối tháng 1/2014, người dân sẽ được đi qua cầu Đen mới". Hy vọng xã Khánh Hà và người dân trong vùng sẽ được đi trên cây cầu Đen mới an toàn và thuận lợi trong dịp Tết Giáp Ngọ này như lời ông giám đốc Ban Quản lý DA huyện Thường Tín.