Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu hỏi khó đối với Bộ Tư pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị số ra ngày 20/3 có bài: "Hướng tới mỗi cá nhân được cấp một số định danh" thông tin, Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự án Luật Hộ tịch và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới.

Theo đó, Dự án Luật Hộ tịch hứa hẹn sẽ mang tính đột phá trong khâu giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nội dung thay đổi giới tính, tên họ trong Giấy khai sinh hay các giấy tờ tùy thân cho các trường hợp đã chuyển đổi giới tính đang là vấn đề nóng?Tại Diễn đàn đối thoại chính sách "Đánh giá tổng quan Dự án Luật Hộ tịch - dưới góc độ quyền con người", trong phiên hỏi - đáp giữa các đại biểu và ban tổ chức, chị P (một người chuyển giới) bày tỏ: "Cũng như nhiều người chuyển giới khác, tôi muốn biết là Dự án Luật Hộ tịch lần này có quy định về việc thay đổi giới tính, tên họ trong Giấy khai sinh hay các giấy tờ tùy thân cho các trường hợp đã chuyển đổi giới tính hay không?".
Các đại biểu dự Diễn đàn đối thoại chính sách "Đánh giá tổng quan Dự án Luật Hộ tịch - dưới góc độ quyền con người".     Ảnh: quỳnh hoa
Các đại biểu dự Diễn đàn đối thoại chính sách "Đánh giá tổng quan Dự án Luật Hộ tịch - dưới góc độ quyền con người". Ảnh:  Quỳnh Hoa.
Trong khi, cuộc sống của những người như chị hiện tại rất khó khăn khi tên tuổi, giới tính thể hiện trên giấy tờ đều không giống như hình dáng hiện tại. Điều này dẫn đến việc nhiều quyền lợi của cộng đồng người đồng tính bị bỏ ngỏ như khi giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thừa kế tài sản, đăng ký tạm trú tạm vắng đều… "tắc" bởi giấy tờ một đằng mà hình hài bên ngoài một nẻo. Vô hình trung, những người thuộc cộng đồng này trở thành những người đứng ngoài lề pháp luật. Trước thực tế này, chị P tha thiết mong Dự án Luật Hộ tịch sẽ xem xét cho những người như chị được thay đổi tên họ, giới tính trên giấy tờ để hưởng những quyền lợi chính đáng và hơn hết, là bởi "chúng tôi cũng là những người lương thiện, không gây hại cho xã hội" - chị P nói.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh thừa nhận, đây là một câu hỏi khó đối với Bộ Tư pháp từ nhiều năm qua bởi luật hiện hành chưa công nhận vấn đề chuyển giới, mà chỉ dừng ở việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Vì vậy, Luật Hộ tịch cũng không thể mâu thuẫn với các luật khác. Để người chuyển giới có thể thay đổi tên, họ, giới tính trong các giấy tờ tùy thân thì cần phải bổ sung các luật như Bộ Luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới…

Thực tế, Điều 4, Nghị định 88/2008/NĐ - CP về xác định lại giới, quy định hành vi thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, có một thực tế, trong nhiều năm trở lại đây,  mặc dù pháp luật nghiêm cấm hành vi can thiệp y học đối với những trường hợp đã hoàn thiện về giới tính nhưng nhiều người đồng tính, song tính đã sang nước ngoài chuyển đổi giới tính. Những người này đang phải sống với các giấy tờ tùy thân chưa được sửa đổi. Như vậy, luật và thực tế đang có một khoảng cách khá xa, và một bộ phận trong xã hội đang phải chịu thiệt thòi vì khoảng cách ấy.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên - cho rằng, tại Điều 3, Dự án Luật Hộ tịch đã có quy định "mở" cho phép ghi lại những thay đổi hộ tịch của cá nhân theo cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, sau này nếu Luật Dân sự được phép sửa đổi thì quy định này sẽ là cơ sở pháp lý cho người chuyển giới điều chỉnh lại giấy tờ. 

"Luật được xây dựng không phải chỉ để cho hiện tại, mà còn đón đầu tương lai, và trên hết là vì quyền con người. Đó cũng là tinh thần xuyên suốt của Hiến pháp sửa đổi và xây dựng luật của nước ta" - Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định.