Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cây đại thụ của nền sử học Việt Nam Phan Huy Lê ra đi: Mất mát lớn đối với nền khoa học nước nhà

PGS.TS Nguyễn Đình Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào 1 giờ 10 phút ngày 23/6/2018, GS, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê đã qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hưởng thọ 84 tuổi.

GS Phan Huy Lê rời xa cõi tạm ở tuổi 84
GS Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Hai dòng họ nội, ngoại của ông đều nổi tiếng khoa bảng với những danh nhân văn hóa lớn, như: Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy... Cụ thân sinh của ông là Phan Huy Tùng, tiến sĩ Nho học, từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm.
Năm 1952, khi 18 tuổi, Phan Huy Lê rời gia đình ra học dự bị đại học ở Thanh Hóa. Năm 1956 ông tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa sau đó ông làm trợ giảng và được GS Trần Văn Giàu và GS Đào Duy Anh định hướng cho ông vào sự nghiệp khoa học nổi tiếng sau này.

Năm 1958, ông là chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, thuộc khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khoa Lịch sử từ đó gắn bó mãi với thầy Phan Huy Lê. Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư năm 1980, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994).

Năm 1988 đến nay, ông được bầu làm Chủ tịch hội Sử học Việt Nam; Chủ tịch danh dự của Hội Sử học là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông giữ cương vị này đến năm 2016 và từ đó làm Chủ tịch danh dự Hội sử học Việt Nam.

Cũng trong năm 1988, ông làm Giám đốc Trung tâm hợp tác nghiên cứu Việt Nam (thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.

Năm 1995, ông làm chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Đông phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong những năm từ 2004 đến 2009, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa đã phát triển thành Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.

Ông từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, ông còn hoạt động khoa học ở các các cơ quan như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia...

Từ năm 2016 đến nay, ông giữ trách nhiệm là Tổng chủ biên của bộ Lịch sử Việt Nam. Đề tài Khoa học Xã Quốc gia Nghiên cứu, biên soạn 30 tập Lịch sử Việt Nam.

Ngoài giảng dạy chính ở Khoa Lịch sử và các đơn vị khác trong Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ông còn dạy ở nhiều trường trong và ngoài nước, như: Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)... Rất nhiều học trò trong và ngoài nước của ông đã trở thành chuyên gia nghiên cứu hàng đầu lịch sử văn hóa, xã hội Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Hơn 60 hoạt động khoa học không mệt mỏi của mình, dấu chân của GS Phan Huy Lê in khắp mọi miền đất nước. Chuyến đi cuối cùng của ông trên dãi đất chữ S là Trường Sa, chỉ vẻn vẹn khoảng 1 tháng trước khi trái tim ông ngừng đập.

Ông đã để lại cho lịch sử. văn hóa dân tộc nhiều tác phẩm vô cùng quí giá. Trong hơn 100 công trình nghiên cứu của ông, có các cuốn nổi bật sau:

Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ (1959), Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn (1959), Lao động và làm thuê trong xã hội phong kiến Việt Nam (1959), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Tập II, (1960), Khởi nghĩa Lam Sơn (1965); Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam (1973), Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (1976), Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288 (1988), Truyền thống và cách mạng (1982), Vấn đề dân chủ trong truyền thống Việt Nam (1988), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (3 tập, 1994, 1996, 1997), Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại (2002) v.v.

Đặc biệt với cuốn “Tìm về cội nguồn” cùng với những đóng góp khoa học xuất sắc khác của ông, đã được giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ năm 2000.

Cuốn Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận cùng với kết quả nghiên cứu khoa học khác, nên GS Phan Huy Lê đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016.

Đóng góp khoa học của ông được quốc tế tặng giải thưởng Quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka, Nhật Bản (1996); huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp (2002); danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011).

Với đồng nghiệp, học trò, ông là người vô cùng chân tình, nhân hậu. Với công việc ông là người vô cùng tâm huyết. Ông dành trọn đời mình cho sự nghiệp khoa học. Trong mọi công trình, ông luôn nghiêm túc, nghiêm khắc với mình và cộng sự. Giới khoa học lịch sử đặt tron niền tin vào ông và ông có uy tín cực kì với mọi cấp mọi ngành.

GS Phan Huy Lê ra đi là một mất mát không gì bù đắp được với gia đình, là tổn thất vô cùng to lớn cho giới sử học trong và ngoài nước, và đối với khoa học nước nhà.