Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cây non không uốn…

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuổi xế chiều, nhìn cảnh nhà tan tác, ông bà chỉ biết nhìn nhau thở dài ngao ngán. Có trách trời, trách đất, trách cả bản thân thì mọi chuyện giờ đã quá muộn.

Vốn chỉ có một cậu con trai, dù không phải gia đình giàu có, nhưng ông bà cũng không bao giờ để con thua kém chúng bạn. Từ nhỏ, cậu đã được bố mẹ cưng chiều, được đáp ứng mọi nhu cầu dù là vô lý nhất. Nhưng trời không chiều lòng người. Dù “gánh” theo nhiều kỳ vọng của bố mẹ, “cậu ấm” của ông bà lại chỉ có học là kém, còn tất cả các trò cần tiêu tiền… đều “giỏi”. Khi cậu học xong cấp ba, vất vả lắm mới đỗ vào một trường dân lập. Nhưng thay vì học, thành tích cậu mang về lại là chuyện “yêu đương”, chơi bời sành điệu. Nhiều người bảo ông: “Không thể để thế được, phải cứng rắn với con để không làm hỏng đời chúng, hơn nữa mình cũng yên ổn khi tuổi già”. Nhưng chưa kịp uốn nắn gì, nỗi buồn của ông bà lên tới đỉnh điểm khi cậu con quyết tâm bỏ học giữa chừng. Khóc lóc, van xin, dọa nạt không có hiệu quả, ông bà đành chấp nhận quyết định của cậu. Lêu lổng mấy năm, cả nhà sống dựa vào đồng lương của ông và cửa hàng nho nhỏ của bà. Có người hỏi ông bà sao không xin việc cho cậu, để tránh cảnh “nhàn cư”, nhưng cậu ấm quen “tính nhà quan”, không chịu làm những công việc cho là “không xứng tầm”. Làm bảo vệ, bưng bê ở quán cà phê, trông quán internet, giao hàng cho khách… cậu đều cho là “lao động tay chân”.

 Ảnh minh họa

Đang bế tắc, ông bà nghe một người tư vấn: “Cứ lấy vợ cho nó, vợ chồng nó quản nhau”. Nhưng đám tử tế nào được giới thiệu, “quý tử” cũng chê, cậu chỉ muốn lấy cô bạn “cùng cảnh ngộ” bỏ học. Thôi thì “trời không chịu đất, đất chịu trời”, thời buổi bây giờ “con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy!”. Vậy là ông bà lên chức bố mẹ chồng và một năm sau đã có cháu “đích tôn”. Tưởng có vợ, cậu sẽ tu tỉnh làm ăn, ai ngờ vẫn chứng nào tật ấy. Giờ đây cậu không xin tiền bố mẹ nữa mà chuyển sang “đòi vợ”. Vợ cậu mỗi lần đưa tiền cho chồng lại xảy ra một trận cãi vã, thậm chí đánh nhau. Tình nghĩa vợ chồng nhanh chóng tan biến, khi cậu chạy theo những thú vui của mình, cô cũng bỏ nhà đi, để lại cho ông bà đứa cháu chưa đầy một tuổi.

Để có đủ tiền nuôi bản thân và cả “hai đứa trẻ” (một đã làm bố, một bé), ông bà phải tìm kiếm thêm việc làm. Chật vật cả ngày ở ngoài đường, buổi tối ngao ngán ngồi bên nhau ôm cháu, ông trách bà: “Tại bà đấy, ngày nhỏ bà chiều nó cho lắm vào, giờ thì thế đây”. Bà lại trách ông “nó chưa nuôi nổi mình, ông lại còn lấy vợ cho nó để đèo bòng thêm”… Và cứ thế, ông bà chưa biết tương lai sẽ còn chuyện gì xảy ra nữa.

Có lẽ cái cảnh “khổ vì con” của ông bà cũng không phải là duy nhất. Với một người đàn ông khác, cái cảnh “cục vàng cục bạc” của họ đổ đốn liên tục chửi mắng bố mẹ không còn lạ gì với những người hàng xóm. Cứ năm bữa nửa tháng, những tiếng đập phá lại làm mọi người giật mình. Rồi những tiếng xỉa xói của anh con trai: “Ông bà có giỏi thì ngồi dạy mà đánh tôi đi xem nào. Ông bà đẻ con ra mà không biết lo cho nó đầy đủ còn đáng mặt không...” làm đau lòng cả những người dưng.

Trong căn nhà to lớn nhưng trống trải bởi của nả đã ra đi cùng những chầu ăn chơi của quý tử, ông nhìn bà, bà nhìn ông bất lực với những tiếng thở dài. Người ta nói tốt khoe ra, xấu xa đậy lại, ông bà đâu muốn ai thấy cái cảnh này nhưng giấu sao được. Bởi anh con trai không chịu làm, không chịu học, suốt ngày về hành bố mẹ tiền, cho thì im, không cho thì móc lên chửi. Hai cái thân già, tiền đâu mà chu cấp mãi, nên những trận “to tiếng” không còn là chuyện trong nhà nữa.

Trách con, trách trời, ông bà lại tự trách bản thân mình. Ở cái xóm này, nhà ông bà cũng được cho là khá giả, nhưng chết nỗi, họ lại chỉ lo làm ăn, không còn thời gian để quản cậu con trai luôn được coi như của báu. Và cũng do điều kiện nên ông bà cũng nuôi chiều con thái quá, đến lúc giật mình nhìn lại thì đã muộn. Ông bà cũng đã thử đủ biện pháp từ khuyên răn, mắng mỏ... nhưng cây non không uốn, bây giờ cong rồi biết làm sao. Lỗi ở con một phần, lỗi ở họ nhiều hơn. Trái đắng hôm nay chính ông bà là người gieo hạt. Ông bà cũng chỉ còn biết thở dài mà thương cho tuổi già của mình và cầu mong một phép màu.