Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cây xanh cũng cần được khám bệnh thường xuyên

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bản thân cây xanh không có lỗi, lỗi ở đây là việc lựa chọn, trồng và chăm sóc cây xanh ra sao…, đó là chia sẻ của nhiều chuyên gia sau sự cố một cây phượng bị đổ khiến nhiều học sinh bị thương vong xảy ra trong thời gian qua.

Nhiều bất cập
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, tại bất cứ thời điểm nào, đặc biệt ở các đô thị lớn, ngoài chức năng điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng khí “nhà kính”, cùng với hệ thống ao hồ, thì cây xanh góp phần làm tăng thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra sự phong phú về hình khối, màu sắc.
Nhận thức rõ vấn đề này, trong nhiều năm qua, công tác xanh hóa Thủ đô luôn là một trong những nhiệm vụ được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, sau sự cố xảy ra trong khuôn viên một cơ sở giáo dục tại TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người thương vong, nhiều bất cập đã xuất hiện.
Cây phượng vĩ được trồng trong trường học tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Trao đổi với báo phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS. TS Đặng Văn Hà - Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (trường Đại học Lâm nghiệp) cho rằng, hiện nay, nhiều khuôn viên trường trồng quá nhiều cây như phượng, hoa sữa, bàng, cau vua, sanh, đa… Những loài cây này thường cho hoa đẹp, ấn tượng của mùa Hè, nhưng rất dễ gãy nhánh, đổ thân.
Thậm chí, ở một số trường học mới xây dựng cũng đưa vào trồng những cây giống kích thước đường kính lớn từ 25 - 30cm, chiều cao từ 6 - 7m với hy vọng nhanh tạo bóng mát và đẹp mắt. Tuy nhiên, những cây này khi chuyển về trồng rễ cái đều bị chặt bỏ nên khả năng đứng vững trước gió bão rất kém. Hơn nữa, những cây này còn rất dễ bị mục thân và chỗ cành lớn bị cắt nên nguy cơ tự đổ gãy trong tương lai là rất cao.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc lựa chọn sai cây để trồng, để xảy ra tình trạng trên có một phần trách nhiệm của chủ sở hữu các cây xanh - những đơn vị được giao quản lý cây xanh theo phân cấp. Cụ thể, hiện có không ít trường hợp cơ sở giáo dục, y tế… đổ bê tông kiên cố sát đến gốc những cây đã trồng lâu năm. Điều đó làm cho hệ rễ cây dưới đất không hô hấp được dẫn đến cây bị chết mục và có thể tự đổ bất cứ khi nào.
Thậm chí, một số trường còn “sáng tạo” xây bồn cao 40 - 50cm, vây kín quanh gốc cây để tạo chỗ ngồi chơi cho học sinh... Có thể nói, đây là một ý tưởng tốt, tạo không gian vui chơi cho các em học sinh sau mỗi giờ học. Dẫu vậy, dưới góc độ khoa học, đây lại là cái bẫy chết người. Bởi, khi xây bồn cao sẽ làm hệ rễ phía dưới càng nhanh bị hỏng, cây dễ đổ.
Cây xanh không có lỗi
Trở lại với sự cố một cây phượng bị đổ khiến nhiều học sinh bị thương vong, nhiều chuyên gia khẳng định, đây là sự cố vô cùng đáng tiếc, không ai muốn xảy ra nhưng cách xử lý với cây xanh sau sự việc của nhiều cơ sở giáo dục lại khiến dư luận băn khoăn, thậm chí có sự tiếc nuối, xót xa. Bản thân cây xanh không có lỗi, việc chặt hạ hàng loạt cây xanh như cách mà một số cơ sở đã thực hiện quả thật quá cứng nhắc, phản tác dụng, gây lãng phí, phá vỡ cảnh quan và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống.
 Cây xanh gãy đổ do mưa giông tại Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Theo ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, để cây xanh trồng trong trường học hạn chế đến mức thấp nhất gãy đổ, các trường trên địa bàn cần thực hiện thăm khám “sức khỏe” cho cây định kỳ.
Ông Mạnh chia sẻ, về cảm quan, các trường có thể phát hiện ra những cây, cành sâu mục khi thân cây xuất hiện những lỗ, vỏ xuất hiện vết đen loang ra thân. Với những cây nghiêng trên 45 độ, cây nặng tán, cũng là những dấu hiệu cần đặc biệt quan tâm để phòng ngừa cây đổ, gãy.
Trên thực tế có cây nhìn bề ngoài xanh tốt không có biểu hiện sâu mục nhưng thực chất phía trong thân đã bị rỗng, chỉ cần mưa gió sẽ gãy đổ. Thế nên, để hạn chế cây gãy đổ trong trường học, cách đơn giản nhất mà hiệu quả là cắt tỉa cành cây một cách thường xuyên, chủ động.
Trong khi đó, theo TS. KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển hạ tầng, về lâu về dài, để hạn chế những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, các lực lượng chức năng cần xác định “đất nào, cây ấy” trong quy hoạch trồng cây xanh đường phố là tiêu chí để lựa chọn cây trồng. Đây chính là sự thích nghi ban đầu và thể hiện mối quan hệ giữa cây xanh với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của đô thị.
Có thể điều kiện môi trường sinh thái đô thị thay đổi do các hoạt động xã hội của con người, nhưng chính con người chủ động tạo nên hệ thống cây xanh ở đô thị. Do đó, phải dựa vào đặc tính sinh thái loài cây sao cho phù hợp với môi trường và cuộc sống của từng vùng miền.

"Các đơn vị được giao quản lý cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lượng tốc độ sinh trưởng của các loại cây, lựa chọn thời gian cắt, tỉa, sửa chữa cho phù hợp để vừa bảo đảm an toàn cũng như sinh trưởng của cây. Như ở Hà Nội, thông thường ở miền Bắc, vào mùa Đông, cây xuống lá, không phải mùa mưa bão, dễ cây rất chắc… đây là mùa thích hợp để tiến hành cắt tỉa thường xuyên, vì đây cũng là thời điểm các cành cây nhẹ… Ngoài ra, cắt tỉa vào mùa này cũng tạo điều kiện cho các cây xanh phát triển vào mùa Xuân, mùa Hạ." - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh


Theo Quyết định số 1640 của UBND TP Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm cắt, sửa, chặt hạ cây xanh tại 12 quận trên địa bàn TP. Đối với các cây trong ngõ xóm, các khu tập thể, khuôn viên của các tổ chức… sẽ được phân cấp cho UBND các quận, huyện. Còn đối với các cây trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân thì các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm quản lý chăm, sóc, bảo vệ sự phát triển của cây, ngăn chặn các sự cố phát sinh.