Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CCHC trong cấp giấy phép đăng ký kinh doanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính đã tập trung giải quyết được nhiều vấn đề, song để tạo điều kiện cho những cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh góp phần mở rộng thêm số lượng doanh nghiệp thì vẫn còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do thủ tục cấp giấy phép kinh doanh còn phức tạp, rườm rà. Trong khi ở một số nước trên thế giới, để được cấp giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần mất từ hai đến ba ngày, như tại Canada là ba ngày, ở Úc là hai ngày, nhưng ở Việt Nam thì phải mất rất nhiều ngày mới cấp được thủ tục đăng ký kinh doanh.Trong đó, các thủ tục mất thời gian nhất là làm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế, khắc con dấu, hóa đơn.

Từ thực tiễn , tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Tiếp tục rà soát đồng bộ lại hệ thống văn bản có liên quan tới vấn đề cấp giấy phép kinh doanh. Để làm được điều đó thì phải tạo ra cơ chế hoạt động rà soát có hiệu quả. Các cơ quan tiến hành rà soát phải có đủ thẩm quyền để việc loại bỏ những văn bản quy định về hệ thống giấy phép không hợp lý được thực thi một cách sớm nhất. Hiện nay, Chính phủ chỉ có thể tiến hành rà soát và bãi bỏ những văn bản thuộc hệ thống giấy phép do Chính phủ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh ban hành. Nhưng còn một lượng văn bản nữa không thể xem xét, bãi bỏ giấy phép đã được ban hành trên cơ sở các đạo luật hoặc pháp lệnh hay các văn bản tồn tại ở dạng Nghị định.

Thứ hai: Trong điều kiện hội nhập hiện nay, cần phải tạo ra một cơ chế thoáng trong việc đăng ký kinh doanh. Cơ chế chỉ thông thoáng khi các quy định trong quá trình làm thủ tục đăng ký kinh doanh được rút gọn, loại bỏ những khâu không cần thiết, tránh những thủ tục rườm rà. Tập trung cải cách hành chính công, giảm bớt các thủ tục pháp lý.

Thứ ba: Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm các nước trong việc cấp giấy phép kinh doanh. Lựa chọn những yếu tố hợp lý có thể áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước và có sự lựa chọn những quy định phù hợp cho việc xây dựng và áp dụng các quy định về việc cấp giấy phép cho những tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Điều này sẽ có lợi ích cho cả phía cơ quan quản lý lẫn tổ chức, cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp.

Thứ tư: Bản thân các tổ chức, cá nhân cũng cần có sự hiểu biết rõ ràng về pháp luật đăng ký cấp giấy phép kinh doanh. Tránh việc lấy lợi ích cá nhân làm đầu để không có sự đấu tranh mà lại đi theo lối đường tắt với việc đi “xin” giấy phép kinh doanh.

Thứ năm: Cần phải có sự nghiên cứu trong việc tạo dựng một cơ chế nhất quán trong việc kiểm tra, quản lý. Tạo ra sự tập trung, thống nhất trong quản lý, thu gọn đầu mối sẽ là bước đi khôn ngoan cho việc giảm thiểu các loại giấy tờ con. Quản lý phải đi kịp sự phát triển nếu không sẽ kìm hãm sự phát triển đó. Nếu không có cơ chế quản lý hữu hiệu, bộ máy quản lý cồng kềnh với những lợi ích chồng chéo chắc chắn sẽ không thể nào thúc đẩy nền kinh tế đi xa được.

Thứ sáu:  Cần có một cơ chế tư pháp để giám sát việc ban hành các giấy phép con. Chẳng hạn, có thể trao cho Toà hành chính quyền huỷ bỏ các văn bản pháp luật do các cơ quan hành chính ban hành chứa đựng các giấy phép kinh doanh có dấu hiện bất hợp hiến và bất hợp pháp.

Việc tạo dựng một môi trường kinh doanh tốt và ổn định cho các doanh nghiệp là một bước đi đúng đắn cho tình hình hiện nay. Và công cuộc cải cách hành chính nên đi từ chính những gì mà xã hội đang cần, những vấn đề người dân đang mong muốn giải quyết. Hoạt động kinh doanh cần có hành lang pháp lý hiệu quả, an toàn. Các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ còn lớn mạnh hơn nữa nếu công cuộc cải cách hành chính được tiến hành hiệu quả, triệt để. Giấy phép kinh doanh là điều kiện đầu tiên cho các doanh nghiệp bước vào “sân chơi” kinh tế thế giới. Nếu điều kiện đầu tiên này được sự giúp đỡ ngay từ “sân nhà” thì sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn tới nền kinh tế toàn cầu.