Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CEO Hoàng Tùng: Kinh doanh thời Covid-19 là online với nhiều sản phẩm mới

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Phòng thủ” và “tấn công” là 2 cụm từ được CEO Hoàng Tùng chủ chuỗi nhà hàng Pizza Home thực hiện khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ngày 19/3 trong thời kỳ dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.

Thưa ông, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, nhiều nhà hàng, quán ăn uống đã phải đóng cửa vì không có khách. Với chuỗi cửa hàng Pizza Home do ông làm chủ đã thực hiện những giải pháp nào để duy trì?
- Thực ra, lượng khách hàng của Pizza Home đã giảm 30% ở cả 2 kênh offline và online. Trong thời gian này, chúng tôi áp dụng một số biện pháp, ít nhiều cắt giảm được chi phí và tối ưu hóa được về mặt sản phẩm.

Liên tục có sản phẩm mới là cách để thu hút khách hàng khi bán hàng online.          

Thứ nhất, là cắt giảm những điểm bán hàng không hiệu quả. Cụ thể là những điểm bán hàng bình thường cho lãi ít, trong khi dịch Covid-19 xảy ra không biết đến bao giờ kết thúc thì cắt đi để tập trung dòng tiền và tâm trí cho các điểm bán còn lại của chuỗi.
Tiếp đến là cắt giảm nhân sự. Trước đây, chúng tôi thuê một số lao động làm theo giờ, khi dịch xảy ra, buộc phải cắt giảm toàn bộ, chỉ giữ lại những người làm toàn bộ thời gian.
Thứ hai, thực hiện tối ưu chi phí. Trong thời điểm này, phải rà soát lại quy trình, sản xuất, bán hàng và thấy phần nào chi phí đưa được tối ưu thì thực hiện. Ví dụ, trước đây chúng tôi giao hàng cho khách bằng Grab ô tô, nay chuyển sang Grab xe máy để tiết kiệm chi phí; thực hiện chặt chẽ kỷ luật tắt đèn - bật đèn, dùng nước.
Vậy giải pháp nào để tăng doanh thu cho cửa hàng?
- Mặc dù thực hiện phòng thủ nhưng chúng tôi cũng phải có cái để tấn công. Để tăng doanh thu, mình phải cố gắng nghiên cứu, sáng tạo làm ra những sản phẩm mới, compo mới, kênh bán hàng mới.
Ví dụ như pizza thanh long; mới đây nhất là burger thanh long, khách có thể mua sản phẩm hoàn thiện hoặc mua nhân mang về nhà cho trẻ em tự làm theo hướng dẫn trong clip. Chúng tôi cũng bán thêm những gói nguyên liệu như đế pizza, phô mai...
Ngoài ra, những kênh bán hàng mới như giao hàng tại nhà, liên kết với đối tác, kết hợp với đối tác có sản phẩm tương ứng.... Cùng với đó là phát khẩu trang miễn phí, xin tài trợ để bán hàng với giá tốt nhằm thu hút khách.
Một giải pháp nữa cũng được chúng tôi thực hiện là san sẻ mặt bằng với các bên khác. Chẳng hạn, trước đây mình sử dụng không hết công suất mặt bằng cửa hàng; thời điểm đại dịch này, để giảm bớt chi phí thì ngăn đôi cho thuê.
Nhưng, điều quan trọng là tìm được đối tác chia sẻ mặt bằng kinh doanh sản phẩm tương hỗ nhau. Ví dụ một bên bán đồ ăn kết hợp với một bên bán đồ uống; hoặc có thể cùng bán đồ ăn nhưng món ăn phải khác nhau.
Lời khuyên của ông dành cho những người kinh doanh đồ ăn uống, làm thế nào để có thể tồn tại vượt qua đại dịch Covid-19?
- Thứ nhất là tối ưu hóa những thứ tôi đã nói ở trên như cắt giảm chi phí, tiết kiệm tối đa. Cố gắng tối ưu hóa từ kênh nhân sự, bán hàng. Cùng với đó là đề nghị chủ nhà giảm bớt tiền thuê, bởi đây là khoản chi phí rất lớn.
Ở Trung Quốc đã có chiến dịch “Chủ nhà tốt bụng” giảm giá cho người thuê từ 3 đến 6 tháng và được nhiều chủ nhà đồng tình. Tôi nghĩ đây là hành động đúng và nhân văn, chủ nhà chia sẻ một phần lỗ với người thuê. Như vậy, 2 đối tác chủ nhà - người thuê sẽ có sự hợp tác lâu bền.
Bán hàng online cũng là giải pháp được lựa chọn trong gian này. Nhưng, mọi người lưu ý, không phải mô hình nào cũng có thể kinh doanh online. Hơn nữa giá sản phẩm phải cạnh tranh, vì thế rất cần có sự cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại của bán hàng online rồi hãy đi đến quyết định.
Xin cảm ơn ông!