"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những ông bố hút thuốc nhiều ở quanh thời điểm thụ thai khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh bạch cầu lympho ác tính (ALL)", trưởng nhóm nghiên cứu Elizabeth Milne tại Viện nghiên cứu sức khỏe trẻ em Telethon ở Astralia cho biết. Theo Press TV, nhóm nghiên cứu đã khảo sát các gia đình của gần 300 trẻ em mắc ALL, hỏi về thói quen hút thuốc của cả cha và mẹ. Họ cũng so sánh với các gia đình của hơn 800 trẻ ở độ tuổi tương tự không mắc bệnh bạch cầu này. Kết quả là, thói quen hút thuốc của mẹ không ảnh hưởng tới nguy cơ mắc ung thư của trẻ, nhưng những bé có cha hút thuốc nhiều ở quanh thời điểm thụ thai thì có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp cao hơn 15%. Những em có cha hút thuốc ít nhất 20 điếu mỗi ngày trong khoảng thời gian thụ thai thì có tỷ lệ chẩn đoán bệnh cao hơn đến 44%. Trong số 9 báo cáo trước kia được sử dụng để so sánh với nghiên cứu mới nhất này, nhóm chuyên gia cũng tìm thấy 6 công trình chỉ ra mối liên hệ gia tăng này. "Tầm quan trọng của mối liên hệ giữa khói thuốc và bệnh ung thư trẻ em đã bị bỏ qua cho đến gần đây", Patricia Buffler, giáo sư tại Đại học Berkely, California, người không tham gia nghiên cứu, cho biết. Bà cũng bổ sung thêm rằng vì thuốc lá chứa đầy chất độc, trong đó có các chất sinh ung thư, nên có thể nó đã phá hủy các tế bào có nhiệm vụ tạo ra tinh trùng. "Các tinh trùng chứa ADN hỏng vẫn có thể bơi đến và thụ tinh với trứng, cho ra đời thế hệ con bệnh tật", tiến sĩ Milne suy đoán. Phát hiện được đăng trên tạp chí American Journal of Epidemiology. Mặc dầu bệnh bạch cầu lympho ác tính là dạng ung thư phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng vẫn xảy ra với mật độ khá hiếm, cứ khoảng 100.000 bé thì có 3-5 em mắc bệnh.