Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chắc chắn hãy làm

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ đã chính thức đề nghị Quốc hội cho lùi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới cho lớp 1 đến năm học 2019 - 2020.

Trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu đã bày tỏ lo ngại việc lùi thời gian thực hiện có thể gây thêm lãng phí, tốn kém... Nhưng số khác lại cho rằng, có thể lùi 1 năm, 2 năm, thậm chí nhiều hơn, bởi việc chuẩn bị cần chắc chắn, đừng đưa học sinh ra làm thí nghiệm.
Sách giáo khoa (SGK) là yếu tố quan trọng trong đổi mới giáo dục, nếu chuẩn bị không tốt sẽ ảnh hưởng tới tất cả các khâu tiếp theo. Nên hầu hết đại biểu (ĐB) và các cử tri đều “thông cảm” với lý do khách quan Bộ GD&ĐT trình ra là cần thời gian để đảm bảo chất lượng, hiệu quả xây dựng và áp dụng chương trình, SGK mới; đồng thời tạo sự đồng thuận, yên tâm của xã hội. Tuy nhiên, điều các ĐB cũng như nhiều cử tri băn khoăn là sách mới liệu có đảm bảo được chu kỳ 12 năm hay không; liệu lùi 1 năm đã đủ… chắc chắn?

“Đây là công việc rất hệ trọng, tác động, ảnh hưởng tới cả một thế hệ, do vậy công tác chuẩn bị, thời gian áp dụng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng” - các ĐB đã nhấn mạnh quan điểm này. Nên nhiều ĐB đã đặt vấn đề tại sao không lùi thêm để làm cho chu đáo, cần thử nghiệm nhiều lần, chắc chắn mới làm tiếp, đừng mang học sinh ra thí nghiệm.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo phương án mới lần này sẽ tạo thuận lợi để triển khai các hoạt động truyền thông tạo sự tin tưởng, lạc quan, yên tâm. Đồng thời tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng biên soạn SGK, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều SGK và phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Đó là những quan điểm mới và được chờ đợi. Nhưng có thể nói rằng, việc đổi mới SGK và chương trình giáo dục phổ thông lần này không phải là lần đầu tiên, vì trước đó đã có lần đổi mới không hiệu quả, thậm chí có cả sự “cải lùi” như cách nói của nhiều người. Bởi thế, không có gì lạ khi phụ huynh và học sinh luôn thường trực nỗi lo con em mình rơi vào cảnh làm “chuột bạch”, thấp thỏm với “cải tiến”… Rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, đổi mới lần này chậm một chút nhưng phải chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả là điều nhiều người hy vọng.

Cùng với đó, điều được nhiều ĐB đặt ra mà ngành giáo dục cũng cần giải để thực hiện thành công chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, đó là phải giảm được sĩ số lớp học, tránh tình trạng quá tải. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để ngày càng thu hút nhiều cá nhân, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Và trong chương trình SGK mới có yêu cầu giáo viên giảng dạy tích hợp liên môn, nên ngành giáo dục phải thay đổi để nâng cao chất lượng giáo viên. Nếu thực hiện được những điều này, mới có thể thực hiện tốt chương trình SGK giáo dục phổ thông mới dựa trên tiếp cận năng lực của học sinh, không phải là theo phương thức truyền tải nhiều kiến thức như Bộ đặt ra và xã hội kỳ vọng.