Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm đầu tư nâng cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hằng năm, TP đều có những khoản đầu tư nhằm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế nên đến nay, không ít dự án, hạng mục công trình tu bổ, nâng cấp vẫn còn dang dở.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết hệ thống thủy lợi trên địa bàn TP được đầu tư, xây dựng từ những năm 60 - 70 thế kỷ trước nhưng hiện đang trong tình trạng cũ kỹ, hiệu suất bơm tiêu, tưới không như mong muốn.

Ì ạch nhiều dự án

Nhằm nâng cấp khả năng tưới tiêu cho Trạm bơm Hồng Vân (huyện Thường Tín), năm 2010, UBND TP đã phê duyệt Dự án đầu tư cải tạo hệ thống kênh mương với tổng số vốn 256 tỷ đồng. Nhưng đến nay, dự án mới chỉ thực hiện được 6/19 gói thầu, với tổng chiều dài đã hoàn thành ước khoảng 7km (trên tổng số chiều dài toàn tuyến là 30km). Bà Phạm Thị Kim Loan - Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Hồng Vân cho biết, nguyên nhân khiến dự án bị "nghẽn" là do thiếu hụt nguồn vốn. Dự án phải thực hiện theo hình thức phân kỳ đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, đối với các công trình thủy lợi, việc phân kỳ đầu tư thực chất lại không hiệu quả vì các chi phí phát sinh trong quá trình vận hành thường bị "đội" thêm do hệ thống không đồng bộ.

 
Công nhân vận hành hệ thống tại Trạm bơm Bộ Đầu. Ảnh: Tùng nguyễn
Công nhân vận hành hệ thống tại Trạm bơm Bộ Đầu. Ảnh: Tùng nguyễn
Tại Trạm bơm Bộ Đầu, dù được bố trí tới 27 máy bơm nhưng khả năng tưới tiêu của trạm còn nhiều hạn chế do hệ thống kênh mương chưa hoàn thiện. Dù dự án cải tạo 15km kênh mương phục vụ tưới tiêu nội đồng cho Trạm bơm Bộ Đầu đã được UBND TP phê duyệt năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Ông Lê Quang Hiển - Trạm trưởng Trạm bơm Bộ Đầu cho biết, nếu lượng mưa lớn trên 150mm/24 giờ, trạm phải mất tới gần 6 ngày mới tiêu hết nước. Bên cạnh đó, vị trí xây dựng của Trạm bơm Bộ Đầu cũng là vấn đề đáng lo ngại. Bởi bể xả của trạm bơm nằm sát mái đê đã vô tình khiến việc chống lũ trên sông Hồng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. 
Dự báo nếu lượng mưa ở mức từ 50 - 100mm trong 24 giờ, diện tích ngập úng nội đồng trên địa bàn TP sẽ vào khoảng 1.660ha; lượng mưa từ 100 - 150mm trong 24 giờ, diện tích ngập úng khoảng 4.008ha; lượng mưa lớn hơn 200mm trong 24 giờ, diện tích chịu ảnh hưởng sẽ lên tới 7.000ha.
Không chỉ ở Thường Tín mà tại Sóc Sơn, Đông Anh - những khu vực trũng và có diện tích canh tác tương đối lớn của TP cũng xảy ra tình trạng các trạm bơm đã xuống cấp nhưng chậm được đầu tư nâng cấp, thay thế mới. Theo ông Nguyễn Văn Tấn - Trạm trưởng Trạm bơm Tân Hưng (huyện Sóc Sơn), trạm được đưa vào sử dụng từ năm 1987 gồm 8 tổ máy, công suất 980m3/giờ, góp phần tiêu nước cho 745ha đất canh tác ra sông Cầu. Qua hàng chục năm vận hành, các máy bơm đều đã cũ và hết khấu hao nhưng chưa được đầu tư thay mới. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại Trạm bơm Tăng Long, được đưa vào sử dụng từ năm 1978, với 15 tổ máy nhưng công suất chỉ 980m3/giờ, tiêu nước ra sông Cầu cho khoảng 920ha. Trước tình trạng này, cán bộ các trạm bơm trên đã nhiều lần kiến nghị lên Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội - đơn vị trực tiếp quản lý, có phương án thay thế mới một số đầu máy bơm. Cán bộ của Công ty, Sở NN&PTNT Hà Nội đã về khảo sát, đánh giá hiện trạng. Tuy nhiên, việc bao giờ được đầu tư thì vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Căng mình vượt khó

Dù chưa được đầu tư nâng cấp nhưng các doanh nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi trên địa bàn TP đã chủ động khắc phục khó khăn để đảm bảo khả năng tưới tiêu, chủ động chống úng ngập. Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Nguyễn Văn Hải cho biết: Để chuẩn bị chống úng trong mùa mưa bão 2014, Công ty đã lên phương án sẵn sàng chống úng trong mọi hoàn cảnh thời tiết. Trong đó, Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Thanh Trì đã thay thế 8 tổ máy hết khấu hao và bị hư hỏng thuộc Trạm bơm Hòa Bình; sửa chữa 17 tổ máy bơm HL 1100 - 12 tại Trạm Đông Mỹ... Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Từ Liêm đã thay mới nhiều ống bơm thép, nắp xả máy, rọ chắn rác, cánh quạt, tại các trạm bơm Cầu Ngà, Đằng Ngà và Cầu Giát. Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Đông Anh cũng đã đầu tư mua mới máy đóng mở vận hành bằng động cơ điện, thay cho máy đóng mở thủ công tại cống Thạc Quả, cống Ma Lôi; sửa chữa 7 tổ máy bơm thuộc trạm bơm Lại Đà, Đồng Dầu... Trong khi đó, Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Sóc Sơn cũng đã thay mới 4 động cơ điện đang hết khấu hao tại các trạm bơm Tăng Long, Tiên Tảo... Ông Hải cho biết thêm, để chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống lụt bão, úng ngập phục vụ sản xuất vụ Mùa 2014, Công ty đã tiến hành kiểm tra hiện trạng công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ 2014 thuộc địa bàn 9 quận, huyện do Công ty quản lý. Qua công tác kiểm tra rà soát toàn bộ các công trình thủy lợi như: trạm bơm, máy móc, thiết bị, kênh mương, cống đạp, hồ chứa, nhìn chung các hệ thống vẫn hoạt động an toàn. Tuy nhiên, nhiều hạng mục cần được sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế. "Trong thời gian tới, Công ty sẽ tập trung, ưu tiên vốn cải tạo, nâng cấp một số trạm bơm. Đồng thời, kiến nghị UBND TP, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục bố trí vốn cho một số dự án trọng điểm" - ông Hải khẳng định. 

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ - đơn vị quản lý các trạm bơm thuộc 5 huyện trên địa bàn TP cũng đã hoàn thành việc sửa chữa 60/139 hạng mục công trình có khai toán nhỏ hơn hoặc bằng 300 triệu đồng, thay mới thiết bị, bổ sung một số máy bơm dã chiến, đồng thời xây dựng các phương án ứng phó cụ thể trước những biến động của lưu lượng nước lên, xuống. Theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ, hàng năm, UBND TP đều có những khoản đầu tư cho công tác thủy lợi.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư hiện vẫn khá hạn chế, thường chỉ đủ cho cải tạo, nâng cấp các hạng mục nhỏ lẻ. Việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài cũng gặp khó khăn do khả năng sinh lời khi đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi còn rất hạn chế. Bà Trần Thị Tuyết Hạnh kiến nghị, UBND TP nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm thu hút người dân tham gia đóng góp cho phát triển hệ thống thủy lợi, tiến tới xã hội hóa lĩnh vực này.

Bài 3: Sớm có giải pháp đồng bộ