Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Đâu là nút thắt?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của Hà Nội còn chậm. Hết 5 tháng, toàn TP mới giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 6 tháng khoảng 14.467 tỷ đồng, đạt 31% (đạt 32,2% kế hoạch giao đầu năm). Đáng chú ý, đây đều là các dự án quan trọng, có ý nghĩa dân sinh như xây dựng, giao thông, văn hóa, môi trường, cấp thoát nước...

Điểm cuối dự án đường Vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục. Ảnh: Thanh Hải
Vướng GPMB, cơ chế tài chính 
Giai đoạn 2016 - 2020, TP Hà Nội có 55 công trình trọng điểm (gồm 29 dự án ngân sách và ODA (có 2 dự án chuyển đổi hình thức đầu tư); 24 dự án đầu tư theo hình thức PPP; 2 dự án xã hội hóa). Nhìn chung, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn TP đến thời điểm này là chậm, trong đó 36/55 dự án trọng điểm đang chậm tiến độ.

Chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá, còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của TP. Có 10 đơn vị giải ngân thấp cấp TP, giải ngân 0% như Cầu Giấy, Nam Từ Liên, Hoài Đức, Phú Xuyên. Cả 6 Ban Quản lý dự án TP đều có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung như: Ban Đường sắt đô thị (12%), Ban Nông nghiệp 12%, Ban Giao thông 3%. Theo Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hồ Vân Nga, qua các số liệu tổng hợp được thì tỷ lệ giải ngân năm nay thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã thành lập một số đoàn công tác làm việc tại các địa bàn trọng điểm nhằm tăng cường kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương tập trung cải thiện tình hình. Bộ cũng rà soát tình hình triển khai các dự án và đề xuất Chính phủ xem xét, trong đó cho phép điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang đơn vị có nhu cầu về vốn và có mức giải ngân cao.

Nút thắt làm cho tỷ lệ giải ngân thấp tập trung vào các dự án trọng điểm được giao vốn lớn nhưng chưa kịp khởi công, GPMB vướng mắc, số lượng các dự án khởi công mới chưa đạt theo kế hoạch giao; một số dự án chuyển tiếp không giải ngân được do vướng GPMB.

Cụ thể, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội đến nay mới giải ngân được 9.000/33.000 tỷ đồng (đạt 27,3%) do những vướng mắc trong công tác GPMB, mặt bằng xen kẹt khiến việc thực hiện bị ngắt quãng, kéo dài. Một số dự án hoặc thành phần dự án khác cũng trong cảnh chậm tiến độ dẫn đến giải ngân thấp dưới 5%, như đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục thuộc Dự án Đường vành đai 1; Dự án quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận Thanh Trì... cũng do chậm trễ khâu GPMB. Một số dự án có khối lượng GPMB lớn nhưng khó khăn, phức tạp như: Xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục giai đoạn 1; Cải tạo nâng cấp đường tỉnh 419 trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông TP Phạm Hoàng Tuấn cho hay, đơn vị được giao 28 dự án chuyển tiếp với số vốn kế hoạch là 1.184 tỷ đồng. Trong đó, có 15 dự án với vốn kế hoạch đầu năm giao 937 tỷ nhưng hiện vướng công tác GPMB. “Việc giải ngân rất thấp, có những dự án từ đầu năm đến giờ không giải ngân đồng nào” - ông Tuấn chia sẻ.

Những khó khăn GPMB có nhiều nguyên nhân như xác định nguồn gốc đất, nhiều hộ gia đình không hợp tác tốt trong công tác đo đếm và không đồng thuận với mức giá đền bù hiện hành, công tác nhà tái định cư có khó khăn về quỹ nhà và vị trí nhà tái định cư. Thống kê có khoảng 30 dự án vướng và chậm GPMB dẫn đến chậm hoặc không giải ngân được số kế hoạch vốn được giao khoảng 2.500 tỷ đồng.

Với các dự án khởi công mới, nguyên nhân là do mất nhiều thời gian thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán, như: Dự án xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt – đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch; Đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải phóng (quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai khó khăn do chưa xác định được phương án tuyến của tuyến đường sắt đô thị số 04 (đi ngầm hay đi nổi).

Giải quyết triệt để nhiều tồn tại

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, TP đã yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thành phê duyệt điều chỉnh tiến độ thời gian thực hiện với hơn 20 dự án xây dựng cơ bản để bảo đảm điều kiện giải ngân. Ngoài ra, đối với tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2019 - 2020, TP Hà Nội đã đề nghị các chủ đầu tư thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao của các dự án ngay từ những tháng đầu năm, nhằm phấn đấu kết thúc năm ngân sách, giải ngân đạt mức cao nhất kế hoạch giao.

Thực tế, việc bố trí vốn thiếu so với yêu cầu cũng gây bất lợi cho quá trình triển khai Dự án. Như Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội, tổng nhu cầu kế hoạch vốn cấp phát ODA là 1.395 tỷ đồng, nhưng không được bố trí đủ vốn kế hoạch. Trong lúc chờ Bộ KH&ĐT làm thủ tục giao bổ sung vốn cấp phát ODA, Ban cán sự Đảng UBND TP đã báo cáo Thường trực Thành ủy cho phép tạm ứng vốn ngân sách TP. Hoặc như Dự án xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long: đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng, đang thực hiện công tác GPMB bằng ngân sách quận Bắc Từ Liêm (50 tỷ đồng), Sở KH&ĐT đã báo cáo TP cho phép chuyển đổi nguồn vốn đấu giá quyền sử dụng đất sang sử dụng ngân sách TP, đồng thời trình HĐND TP điều chỉnh chủ trương đầu tư, bổ sung kế hoạch đầu tư công, trung hạn và bố trí ngân sách TP năm 2019 để triển khai thực hiện.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, định kỳ một tháng một lần TP giao ban kiểm điểm tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn giao. TP yêu cầu giao kế hoạch cụ thể, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các quận, huyện, thị xã nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong GPMB, chuẩn bị tốt quỹ nhà tái định cư để tạo điều kiện cho việc bồi thường, GPMB các dự án trọng điểm. Mặt khác, TP cũng yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp, hoàn thiện thủ tục giải ngân kế hoạch vốn giao… Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát dự án đầu tư, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, các bên liên quan, chủ đầu tư phải tập trung hoàn thiện hồ sơ, khi mọi việc đã suôn sẻ, vào đà thì kết quả giải ngân mới có thể tăng mạnh, liên tục vào dịp cuối năm.