Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm giao vốn đầu tư do cơ chế xin - cho?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/6, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Vấn đề được các đại biểu tranh luận nhiều nhất là cung cấp vốn cho đầu tư công, chậm giao vốn cho các địa phương và nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), tại sao phân bổ vốn chậm, vốn ODA cũng chậm, có tồn tại cơ chế xin - cho hay không? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, nhu cầu đầu tư lớn, do nợ công sát trần, mức vốn đầu tư có giới hạn, QH đã thông qua kế hoạch đầu tư trung và dài hạn nhằm đảm bảo cho an toàn nợ công Quốc gia nên không thể đáp ứng hết nhu cầu lớn của các địa phương dẫn đến tình trạng chậm giao vốn.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bổ sung: “Cái này tôi xin trả lời luôn. Các công trình quan trọng quốc gia là do Quốc hội quyết. Đường cao tốc Bắc Nam, hay chống ngập TP Hồ Chí Minh, đều phải là Quốc hội. Nhưng các hồ sơ đều chưa đầy đủ nên chưa thể xem xét ở kỳ họp này. Việc chậm là do chỗ này". Bộ trưởng Dũng cũng làm rõ thêm việc chậm không phải do “cơ chế xin - cho”.
Về nguồn vốn ODA cũng vậy, Bộ trưởng cho hay trước kia các dự án đều giải ngân theo tiến độ thực tế. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật hiện hành tất cả phải đưa vào kế hoạch và Bộ đang kiến nghị Chính phủ, nếu dự án nào chậm không có khả năng giải ngân thì chuyển cho những dự án đang hoàn thành nhưng vẫn nằm trong giới hạn phê duyệt, để tránh tình trạng chậm trễ trên.
Về phát sinh nợ đọng xây dụng cơ bản, ông Dũng khẳng định từ tháng 1/2015 đến nay không ghi nhận có nợ đọng. Nếu địa phương nào nợ thì phải giải quyết.
Tuy vậy, Bộ trưởng cho hay, còn một số dự án đã khởi công nhưng chưa đủ thủ tục, khoảng 13.000 tỉ đồng. Chúng tôi đề nghị các địa phương, bộ ngành tập trung thông báo, xây dựng kế hoạch, hoàn thiện thủ tục như giải phóng mặt bằng, đấu thầu…". “Về xây dựng nông thôn mới, trước nợ đọng 15.000 tỉ đồng thì nay ta đã giải quyết chỗ nợ cũ, còn 9.000 tỉ đồng và tập trung vào lĩnh vực giao thông. Đến 2020 phải giải quyết xong, nợ của địa phương thì địa phương phải giải quyết", bộ trưởng nói.
Với câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) - thủ tục các dự án PPP (đối tác công tư) làm sao để thu hút nhiều đầu tư hơn, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thủ tục cho các dự án PPP đang có vấn đề, do đó đang nghiên cứu đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 15.
Bộ trưởng cho hay, việc thu hút đầu tư còn chênh lệch giữa các địa phương là do lợi thế cạnh tranh của các địa phương không bằng nhau. Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc thu hút vốn tốt, nhưng một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long hay Tây Bắc thì không thể bằng. "Phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông từ đường bộ, cảng biển đến các hạ tầng chung. Phải đào tạo nguồn nhân lực, vì nhiều nơi nhân lực không đáp ứng yêu cầu".
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Văn Lâm, Bắc Giang về việc giá trị đất sau khi cổ phần hóa, khiến thất thoát, lãng phí, Bộ trưởng thừa nhận đúng là có vấn đề giá trị của doanh nghiệp, liên quan đến đất trong cổ phần hóa DNNN. Ông chỉ rõ, khi cổ phần hóa DNNN, giá trị đất hiện đang xác định đất thuê của nhà nước, không tính vào giá trị của DN. cổ phần hóa (CPH) xong, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lợi thế so sánh, giá trị địa tô tăng lên, lợi ích thuộc DN, không phải nhà nước. Bộ trưởng KHĐT đề nghị trước khi cổ phần hóa, DNNN phải rà soát toàn bộ quỹ đất, sử dụng đất. Không có nhu cầu sử dụng phải trả nhà nước.

Khi cổ phần hóa, đất đang sử dụng phải định giá lại, công khai hóa, minh bạch để tính toán, quyết định giá trị của DN. Và sau CPH nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải đấu giá lại.