Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm thay đổi so với phụ nữ, đàn ông càng đè nặng áp lực lên chính mình

Thảo Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi phụ nữ đang ngày càng thay đổi, mạnh mẽ và quyền năng hơn thì đàn ông vẫn theo đuổi hình mẫu “đàn ông đích thực” với những chuẩn mực truyền thống như nam tính, ga lăng, kiếm nhiều tiền, có vị trí trong xã hội, trụ cột gia đình... Nhưng không biết rằng điều đó đã làm tăng thêm áp lực cho bản thân, và hậu quả là ngày càng nhiều đàn ông rơi vào khủng hoảng, bế tắc.

Mới đây, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) đã công bố một nghiên cứu liên quan đến nam giới mang tên “Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập” , đây có thể coi là nghiên cứu đầu tiên chuyên sâu về bình đẳng giới đối với nam trong khi hơn 20 năm qua, những dự án về giới chỉ tập trung hầu như vào phụ nữ.
 

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8.2019 trên 2.567 nam giới tại trong độ tuổi 18-64 tại 4 địa phương gồm: Hà Nội, Hoà Bình, Khánh Hoà và TP Hồ Chí Minh. Theo TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện ISDS, những phát hiện trong nghiên cứu đã được quan sát từ rất lâu nhưng nghiên cứu đã chỉ ra những con số cụ thể. “Đối với tôi, điều đáng buồn, hay thất vọng cũng được là nghiên cứu đã thể hiện suy nghĩ của nam giới còn rất cũ và không thay đổi bao nhiêu so với suy nghĩ của phụ nữ. Đàn ông vẫn đánh giá thấp phụ nữ, vẫn nghĩ rằng đàn ông phải mạnh mẽ, phải làm chủ thiên hạ, phải làm được việc này việc kia. Trong khi suy nghĩ của phụ nữ đã tiến bộ hơn rất nhiều”, Viện trưởng Viện ISDS bày tỏ.

Qua nghiên cứu cho thấy, khi được hỏi về “thế nào là người đàn ông đích thực”, đa số người đàn ông ở mọi độ tuổi đều trả lời là phải có một loạt các tiêu chí nam tính truyền thống. Đó là: Trong công việc, người đàn ông đích thực phải nỗ lực phấn đấu, ưu tiên cho công việc, trở thành người lãnh đạo. Trong quan hệ với bạn bè, đàn ông đích thực phải quyết đoán, chấp nhận mạo hiểm, và có quan hệ xã hội rộng rãi. Trong gia đình, người đàn ông đích thực phải biết kiếm được nhiều tiền, là trụ cột gia đình, khoẻ mạnh trong chuyện chăn gối; đặc biệt là có bổn phận thờ cúng tổ tiên... Chính những chuẩn mực nam tính truyền thống, những tiêu chí quá cao này có thể dẫn tới những trông đợi quá lớn cũng như cũng như những áp lực đối với bản thân người đàn ông và người khác, buộc nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được. “Tài chính và sự nghiệp được phát hiện là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới cả nông thôn và đô thị. Gần một phần tư nam giới tham gia khảo sát đã thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp”, TS Khuất Thu Hồng dẫn chứng.
 

Những tiêu chí bủa vây người đàn ông, khiến họ càng cảm thấy nặng nề hơn khi không làm được điều mình mong muốn và cho rằng mình không bằng được người nọ, người kia, hoặc thu nhập không bằng vợ mình thì đó là thất bại, kém cỏi... Những áp lực này có thể gây tác động , đặc biệt là đối với nhóm nam giới trẻ và nam giới sống ở khu vực đô thị khi mà sự cạnh tranh và chi phí tiêu dùng đắt đỏ hơn đã tạo ra tâm trạng, hành vi tiêu cực đến sức khoẻ, tâm thần của người đàn ông như uống rượu, hút thuốc lá, đàn đúm bạn bè, tìm đến các tệ nạn xã hội... Đáng chú ý là có gần là 3% số nam giới tham gia khảo sát có ý định tự tử, tỷ lệ này tăng tới 5,4% (tỷ lệ cao nhất) trong nhóm nam giới ở độ tuổi 18-29. Còn số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống kê ở Việt Nam, tỷ lệ nam giới tự tử là 10,6%, trong khi ở phụ nữ là 4,5%, gấp 2,54 lần so với phụ nữ.

Do đó TS Khuất Thu Hồng cho rằng, nếu những suy nghĩ về tiêu chí người đàn ông nếu không thay đổi thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Sự thay đổi phải bắt đầu từ quan niệm của xã hội, bắt đầu từ những điều rất nhỏ trong gia đình. Chẳng hạn, khi dạy dỗ con trai và con gái phải như nhau, không dạy con trai ngã không được khóc, không nói rằng sau này con trai phải mạnh mẽ, phải gánh vác gia đình, phải nuôi bố mẹ... Điều này tạo áp lực tâm lý cho đứa trẻ và lớn lên cùng với những áp lực đó. Hoặc khi đi học, không dạy con bằng những hành vi bạo lực như con trai phải mạnh mẽ, bị đánh thì đánh lại... Trong gia đình làm sao dạy con trai con gái như nhau với những công việc trong gia đình , không tạo ra áp lực riêng cho con trai hay con gái. “Phải khẳng định rằng, phụ nữ vẫn thiệt thòi hơn nam giới, nhưng tốc độ tiến bộ của phụ nữ đã tiến nhanh rất nhiều còn nam giới thì vẫn giữ suy nghĩ cũ. Chính những băn khoăn về sự thay đổi, tiến bộ , mạnh mẽ hơn của phụ nữ, làm cho nam giới cảm thấy áp lực, nhưng không muốn thừa nhận, không nói ra miệng nên trở thành ẩn ức trong lòng và rơi vào tình trạng sợ hãi. Không chỉ thua kém bạn bè, hàng xóm mà thua kém cả vợ mình. Đây chính là những vấn đề trong cuộc sống của nam giới nhưng ít được nói đến, mà nếu không thay đổi thì bản thân nam giới phải trả giá đắt cho những suy nghĩ và hành vi của mình”, Viện trưởng Viện ISDS nhấn mạnh.