Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị Đánh giá công tác tái cơ cấu DN Nhà nước và quán triệt thực hiện Nghị định 99/2012/NĐ-CP do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/11.
Nhiều khó khăn
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2013 một số DN đã bước đầu thực hiện việc thoái vốn ngoài ngành. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn tất chuyển nhượng 1 triệu CP tại Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) sang Công ty International ERGO. Qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN tại công ty này từ 22,5% xuống còn 20% và thu về 26 tỷ đồng.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng hoàn thành thoái vốn ở 7 đơn vị thuộc các lĩnh vực ngoài ngành như ngân hàng, sản xuất kinh doanh bia, bất động sản, qua đó thu được hơn 200 tỷ đồng... Nhằm lành mạnh hóa và minh bạch tài sản, trong thời gian tới Tập đoàn tiếp tục thoái vốn tại một số lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng, tài chính. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đã thực hiện chuyển đổi các đơn vị thành chi nhánh thuộc công ty mẹ; CPH DN, thoái vốn ngoài ngành và tái cơ cấu vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Mặc dù một số tập đoàn chủ lực của Bộ Công Thương đã thực hiện việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, CPH DN nhưng trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc. Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Theo yêu cầu, các DN trong quá trình thoái vốn phải bảo toàn tối đa nguồn vốn Nhà nước, đây là thách thức lớn nhất cho DN trong điều kiện thị trường hiện nay.
Nhiều DN tham dự hội nghị có chung ý kiến, ngoài nguyên nhân thị trường chứng khoán ảm đạm, khủng hoảng kinh tế trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản… khiến việc thoái vốn khó khăn, còn do những bất cập trong các văn bản hướng dẫn như: Xác định giá trị đất đai, giá trị DN… cũng khiến quá trình CPH chậm hơn. Chẳng hạn Nhà nước quy định đối với những công ty CP chưa niêm yết việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị tính theo mệnh giá trên 10 tỷ đồng phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán. Việc thoái vốn đầu tư của các DN Nhà nước không được thấp hơn giá trị sổ sách… đã gây tâm lý lo ngại, sợ thất thoát vốn nhà nước, sợ trách nhiệm khiến quá trình thoái vốn kéo dài.
Đẩy nhanh tiến độ
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thoái vốn ngoài ngành nhưng Bộ Công Thương vẫn yêu cầu các DN đẩy mạnh triển khai hoạt động này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong thời gian tới Bộ Công Thương yêu cầu các DN tiếp tục rà soát ngành nghề kinh doanh, kiên quyết thực hiện đúng nội dung được phê duyệt trong Đề án tái cơ cấu, triển khai đúng tiến độ đề ra đặc biệt là DN thuộc lĩnh vực thương mại chưa CPH. Trong quá trình thực hiện các DN chú trọng việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. "DN phải rà soát chấn chỉnh những khâu yếu kém, tổ chức lại những DN kinh doanh không hiệu quả, nếu quá yếu kém phải cho phá sản, giải thể" - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.
Nhằm hỗ trợ các DN trong quá trình thoái vốn ngoài ngành, CPH, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2013 - 2015 và các văn bản hướng dẫn kèm theo làm cơ sở pháp lý trong việc thoái vốn, giảm vốn vốn khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, tài chính… khi thực hiện đề án tái cơ cấu. Trong đó, cho phép những khoản phải thoái vốn có giá trị thấp hơn giá trị sổ sách sẽ được chuyển khoản này về Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để Tổng Công ty này thực hiện.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) cho hay, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá lại hoạt động sắp xếp DN Nhà nước, đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách bất cập liên quan tới tái cơ cấu DN qua đó hỗ trợ DN một cách tích cực, sát với thực tế hơn nữa qua đó đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã thoái vốn ở 7 đơn vị thuộc lĩnh vực ngoài ngành để tập trung cho ngành nghề sản xuất chính. Ảnh: Hoài Nam
|