Lệch chuẩn từ khâu quản lý
Quận Đống Đa và Cầu Giấy là nơi tồn tại nhiều biển hiệu viết và chăng treo lộn xộn nhất. Trên phố Nguyễn Lương Bằng, biển nối biển, biển chồng lên biển, có cái lấn vỉa hè đến hơn 1m, có cái lơ lửng từ tầng 5 xuống mặt tiền tầng 2. Trên đường Xuân Thủy và đường Cầu Giấy, các cửa hàng thời trang đua nhau chăng biển, cái nọ như lấn át cái kia. Thế nên, điều người đi đường cảm nhận được đầu tiên ở đây là sự chen lấn của Nino Max, với đầm bầu BB, đầm bầu Hà An và X -Jean, The One… Bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTT&DL Hà Nội cho hay: "Cái khó của nhà quản lý là không có văn bản quy định việc xử phạt hoạt động văn hóa kinh doanh nơi công cộng. Chính vì vậy, mỗi địa phương quản lý theo cách riêng. Và hàng năm, các quận, huyện đã đưa ra những giải pháp quản lý nhưng không thực hiện được. Ví như quận Cầu Giấy đưa ra quy định viết, lắp biển hiệu đảm bảo mỹ quan đô thị cho các doanh nghiệp khi cấp giấy phép kinh doanh, nhưng thực tế phần lớn là treo sai quy định".
Không chỉ có những biển hiệu vi phạm về quy định lắp đặt, trên đường Xã Đàn, đường Khâm Thiên, Ngã tư Ô Chợ Dừa cũng đầy rẫy biển hiệu có nội dung "gây sốc" như: Cửa hàng giày dép Ối giời ơi, Bột xay trẻ em… Thế nhưng, chủ đơn vị kinh doanh đã thực hiện đúng quy định kích thước và giấy phép: biển ngang có kích thước tối đa không quá 2m, chiều ngang không quá chiều ngang mặt tiền nhà; biển dọc có chiều cao tối đa không quá 4m, chiều ngang tối đa không quá 0,6m, không vi phạm chỉ giới xây dựng; có giấy phép cấp biển của Phòng Văn hóa thông tin quận. Theo lý luận của địa phương quản lý nội dung biển, đấy chỉ là một cách gọi tên, không có gì đáng "gây sốc".
Đi tìm chuẩn
Trong 2 năm vừa rồi, quận Long Biên được đánh giá cao về quản lý viết, lắp biển hiệu trên địa bàn đúng quy định hiện hành của Nhà nước. 6/7 tuyến phố chính của Long Biên không có cảnh biển hiệu nhô ngang, nhô dọc, mái che, mái vẩy lấn lướt lòng đường của người đi bộ. Ông Nguyễn Trọng Duy, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên cho biết: "Quận rất quan tâm đến hoạt động văn hóa nơi công cộng, nhằm đảm bảo một đô thị văn minh. Rất nhiều bộ phận như thanh tra đô thị, lực lượng bảo vệ tổ dân phố, ban quản lý dự án đô thị… được huy động cùng vào cuộc để tuyên truyền, phát động và cả cưỡng chế người dân thực hiện".
Lãnh đạo quận này cũng cho biết, những ngày đầu thực hiện quy định, các đơn vị thực hiện cưỡng chế vấp phải nhiều phản ứng gay gắt, bất hợp tác của người dân như không cung cấp điện để có thể hàn xì tháo dỡ, gây gổ xô xát với cán bộ làm nhiệm vụ. Nhưng sau một thời gian, khi Long Biên đưa hoạt động này vào nền nếp, khi coi đó là một trong những chỉ tiêu xếp loại Gia đình văn hóa hoặc "bêu" tên những gia đình sai phạm trên đài phường và các cuộc họp tổ dân phố. Và hai năm nay, Long Biên đã có bức tranh văn minh đô thị. Thực hiện tháo dỡ, cưỡng chế là vấn đề quan trọng, nhưng theo ông Duy, quan trọng hơn là tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích khi nghiêm chỉnh chấp hành quy định, không tái diễn sai phạm. Chính vì vậy, Long Biên duy trì được việc viết, lắp biển hiệu trật tự mà không cần sự giám sát quá chặt chẽ của cơ quan chính quyền.
Năm 2012, Sở VHTT&DL có kế hoạch chấn chỉnh biển hiệu trên địa bàn Thành phố, sẽ lấy mô hình quản lý của Long Biên làm điển hình, tuyên truyền cho các phòng văn hóa thông tin quận khác học hỏi kinh nghiệm. Với thành công từ chấn chỉnh quảng cáo tấm lớn năm 2010, quảng cáo rao vặt năm 2011, quyết tâm của Sở cho năm 2012 đang hứa hẹn sẽ gỡ được vấn đề "chướng tai gai mắt" của biển hiệu hiện nay.