Sáng 10/11, tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo TS” do Bộ GD&ĐT và báo Tuổi trẻ tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ghi nhận: Các cơ sở đã nỗ lực để đào tạo TS có chất lượng. Tuy nhiên, vẫn có những cơ sở vì chạy theo số lượng TS mà buông lỏng chất lượng. Không những thế, nhiều nghiên cứu sinh không xác định rõ mục tiêu, tầm mức nghiên cứu của bậc đào tạo TS. Mức đầu tư cho đào tạo TS tại Việt Nam thấp hơn nhiều lần so với trung bình của thế giới khiến cho chất lượng TS chưa đạt yêu cầu.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội có cách nhìn rộng và chỉ ra 2 nguyên nhân dẫn đến những luận án TS chưa đạt: Quy mô đào tạo quá nhiều; chất lượng đào tạo và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhiều cơ sở đào tạo chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, lỏng lẻo trong quản lý và thẩm định đề tài, luận án. Vì thế, Bộ GD&ĐT nên cụ thể hóa thế nào là TS, có tiêu chí rành mạch hơn để các trường, học viện thực hiện.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xem xét để xây dựng các tiêu chí tiệm cận với khung trình độ TS trong khu vực và thế giới. Đây cũng là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra. Về việc này, PGS.TS Vũ Lan Anh – Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội đưa ra một số yếu tố cần phải có. Thứ nhất, điều kiện tuyển sinh, phải có tố chất nghiên cứu khoa học và trình độ ngoại ngữ. Khi vững ngoại ngữ, nghiên cứu sinh mới có điều kiện tham khảo, đọc tài liệu nước ngoài và tham gia vào môi trường học thuật thế giới. Tiếp đến là quá trình đào tạo, bao gồm chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp nghiên cứu và cách đánh giá. Người hướng dẫn đóng vai trò không kém phần quan trọng. Còn GS.TSKH Trần Văn Nhung – Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước đề nghị quy định ai là người phản biện, ai nằm trong hội đồng, cộng với những tiêu chuẩn cụ thể. Chẳng hạn, TS khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ phải có những phát minh, yêu cầu từ 2 bài báo được đăng trên các tạp chí ISI (tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học ISI). TS khoa học xã hội và nhân văn cần có những tiêu chuẩn định lượng. Trước vấn nạn “đạo văn” trong nghiên cứu, GS Nhung cho rằng một người sao chép hoàn toàn 30 trang luận án có khi không nguy hiểm bằng việc “ăn cắp” ý tưởng của người khác để diễn đạt bằng giọng văn của mình. Vì thế, để chống nạn “ăn cắp” ý tưởng, cần có yêu cầu về bài báo công bố quốc tế. Khi bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế sẽ phải trải qua nhiều vòng phản biện rất chặt.