Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chần chừ giảm giá - “thuốc” nào chữa khỏi?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, dịch vụ ăn uống luôn "té nước theo mưa" khi giá xăng dầu tăng, nhưng thường "quên" giảm khi giá mặt hàng này hạ nhiệt. Trong đó, không ít DN, cá nhân đã lợi dụng để trục lợi.

Giá vẫn neo cao

Thời điểm này, sau hơn một tuần giá xăng dầu điều chỉnh giảm lần thứ 10 trong năm nhưng hầu hết giá hàng hóa bán trên thị trường đều không giảm, trừ rau, củ vào mùa vụ, hoặc thịt lợn, gà giảm rất ít. Nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… vẫn giữ giá bán. Đây là nguyên nhân chính để các dịch vụ ăn uống chần chừ không xuống giá, thậm chí còn tăng.

Khảo sát tại một số điểm kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… hầu hết quán ăn, nhà hàng đều giải thích giá nguyên liệu đầu vào giảm không đáng kể hoặc chi phí nhiều thứ đội lên. Tại nhiều cửa hàng cà phê, cơm văn phòng trên phố Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Thanh, Ngọc Khánh, Đào Tấn, Vũ Phạm Hàm… giá các loại đồ uống vẫn ở mức 40.000 - 60.000 đồng/loại hoặc một suất cơm ở mức 65.000 - 80.000 đồng, mức giá này vẫn được giữ nguyên nhiều tháng nay. "Giá xăng, gas có giảm cũng tác động không nhiều, trong khi giá thuê mặt bằng, tiếp thị, tiền thuê người làm, nguyên liệu tăng, nên không thể giảm giá" - chủ một cửa hàng ăn uống trên phố Huỳnh Thúc Kháng cho biết.
 
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Hapro ở Hà Nội.	 Ảnh: Trần Việt
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Hapro ở Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Qua khảo sát giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác như dầu ăn, mì chính, xà phòng… đều không xuống giá. "Tôi chủ yếu nhập hàng qua các đại lý. Lần nào giá xăng dầu tăng, các đại lý đều thông báo tăng giá vài phần trăm, có khi lên hơn 10% tùy theo nhóm hàng với lý do giá cước vận chuyển tăng. Tuy nhiên, khi giá xăng giảm thì không có đại lý nào thông báo giảm giá. Vì vậy, chúng tôi cũng không thể giảm giá" - chủ một cửa hàng tạp hóa trên phố Thái Thịnh cho biết.

Và quyền của người tiêu dùng

Giá xăng dầu, cước vận tải… lần lượt hạ nhiệt nhưng người tiêu dùng vẫn không ngớt lời than phiền về câu chuyện dài là nhiều loại hàng hóa bán ra trên thị trường vẫn chưa giảm giá... Một lãnh đạo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ, các mặt hàng thiết yếu nằm trong phạm vi quản lý giá của Nhà nước, như: sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, cước vận tải, điện, phân bón… còn có thể "ép" bằng cách thanh, kiểm tra; còn giá các mặt hàng khác hiện nay như lương thực, thực phẩm, sắt thép, xi măng… thì do thị trường quyết định, thông qua yếu tố cung - cầu nên rất khó để can thiệp.

Theo TS Lê Đăng Doanh, việc trông chờ vào một sự "ý thức" trong nền kinh tế thị trường không hoàn hảo, thiếu đi kiểm tra giám sát chặt chẽ của Nhà nước khiến người tiêu dùng luôn chịu thiệt thòi. Từ hàng hóa ở trong chợ đến các siêu thị phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương là các sở tài chính, quản lý thị trường… "Cần có sự vào cuộc kiểm tra của các cơ quan chức năng, trước hết ngay tại các siêu thị lớn ở nhiều địa phương. Khi hàng hóa trong các siêu thị này giảm, theo quy luật cạnh tranh hàng hóa ngoài chợ sẽ phải giảm theo chứ không đứng im được" - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nói. Trong trường hợp DN không giảm giá, hoặc giảm giá không tương xứng, ông Phú cho rằng, quyết định cuối cùng vẫn là người tiêu dùng. Trong cơ chế thị trường vốn đề cao quy luật cạnh tranh và tính đào thải, nếu các DN, tiểu thương không chịu giảm giá bán thì họ sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay. Bằng chứng là với mặt hàng điện tử, điện lạnh hay với các cửa hàng may mặc quá ế nên thời gian qua đã phải tăng cường giảm giá, khuyến mại để "câu" khách.

 
CPI tháng giáp Tết vẫn không thể xem thường. Cuối năm, nhu cầu tăng tín dụng, tỷ giá, DN chuẩn bị hàng Tết… sẽ khiến giá cả biến động. Nếu không có sự quản lý tốt thì giá cả sẽ đánh vào túi tiền của người nghèo và sức mua yếu sẽ lại càng yếu thêm…

TS Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế