Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chần chừ sẽ mất cơ hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự thảo Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong cộng đồng DN và các chuyên gia, để sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành.

Đây được xem là động thái kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm sớm đưa SXKD của nhiều DN thoát khỏi khủng hoảng.

Gỡ khó cho DN nhỏ và vừa

Từ đầu năm đến nay, chỉ số phát triển công nghiệp (CN) chỉ bằng 46% tốc độ tăng cùng kỳ. DN khó tiếp cận vốn tín dụng, nhất là khu vực DN nhỏ và vừa, chỉ số tồn kho giảm nhưng còn cao, thị trường xuất khẩu (XK) khó khăn, sức mua trong nước chững lại... Những bất lợi này tác động mạnh đến SXKD, nhiều DN hoạt động cầm chừng, người lao động ít việc làm... ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

Đề án mà Bộ Công Thương xây dựng nhằm 3 mục tiêu: Đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, giảm lượng hàng tồn kho và hỗ trợ DN tiếp cận vốn ngân hàng (NH); Duy trì và phát triển SXKD của DN, hạn chế tình trạng DN thu hẹp SX, ngừng SX hoặc phá sản; Tạo thuận lợi cho DN ổn định SXKD, nhằm đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2012, có sự tăng trưởng bù lại sự sụt giảm trong những năm qua, gắn với việc tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu DN, phấn đấu hoàn thành kế hoạch 2011 - 2015.

Đáng chú ý, Đề án lần này được áp dụng cho mọi thành phần DN, trong đó, tập trung giải quyết những khó khăn của DN trong nước, trước hết là các DN nhỏ và vừa trong những tháng cuối năm 2012, có tính đến những giải pháp trung và dài hạn nhằm tạo điều kiện phát triển ổn định lâu dài cho DN.

Không ngồi chờ được duyệt

Góp ý cho dự thảo đề án này do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/7, các ý kiến tập trung vào 5 nhóm giải pháp: Tài chính ngân hàng (NH), tiếp cận thị trường, giải pháp vĩ mô cho phát triển dài hạn, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, và nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, để giúp DN tiếp cận thị trường, cần có giải pháp riêng cho từng ngành hàng như dệt may, da giày, cơ khí...; chú trọng xúc tiến thương mại và quan tâm hơn đến thị trường trong nước... Hội thảo cũng thống nhất, việc tái cơ cấu DN gắn liền đổi mới nền kinh tế được xem là giải pháp căn cơ cho phát triển DN.

Riêng với hai ngành SX chủ chốt là điện và than, dự thảo đề án đưa ra một số kiến nghị cụ thể. Ông Lê Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho biết, các DN năng lượng rất quan tâm tới Tổng sơ đồ phát triển điện lực đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ  phê duyệt. Đáng chú ý về tái cơ cấu DN, ông Ngãi nhấn mạnh: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể giữ mãi độc quyền, cần sớm tái cơ cấu đi đôi với thị trường hóa ngành điện, trước mắt có thể tách bộ phận bán buôn và truyền tải ra khỏi EVN về trực thuộc Bộ Công Thương.

Về giải pháp cho SXKD than, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Biên cho biết, nhiều nước thuế XK than chỉ còn 10%, Mông Cổ 7%... nhưng ở Việt Nam DN vẫn phải chịu 20% nên rất khó khăn. Trong khi giá than trên thị trường thế giới giảm mạnh, nhiều khách hàng quốc tế không mua than của Việt Nam thì thị trường trong nước, do khủng hoảng kinh tế, nhu cầu than cũng giảm. Tính chung các loại thuế XK, thuế môi trường... (khoảng 40%), Tập đoàn đang bị lỗ. Do đó, ông Biên kiến nghị giảm thuế XK than từ 20% xuống còn 10%, điều chỉnh giá bán than cho điện và sớm phê duyệt biểu đồ cung cấp than cho điện.

Đồng tình quan điểm cần nhanh chóng đưa các giải pháp trong đề án vào cuộc sống để không giảm tác dụng của việc hỗ trợ DN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, các tập đoàn, DN không ngồi chờ bản đề án được phê duyệt mới triển khai mà cần xem xét những giải pháp gì đã rõ, phù hợp với đơn vị mình thì thực thi ngay. "Đề án là cơ sở để các cơ quan, đơn vị và DN chủ động xây dựng kế hoạch và các biện pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm của mình, ổn định sản xuất, tiến tới phát triển và nâng cao hiệu quả SXKD" - ông Hoàng khẳng định.

Dự thảo Đề án tháo gỡ khó khăn cho SXKD của các DN đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể: Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN giảm hàng tồn kho, tiếp cận vốn NH; Đẩy mạnh XK, khai thông thị trường, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng và hàng hóa trong nước đã sản xuất được; Phát triển thị trường trong nước, kích thích tiêu thụ hàng hóa và thúc đẩy sản xuất; Đẩy mạnh quản lý thị trường, ngăn chặn gian lận thương mại, tạo cơ hội tăng thị phần hàng Việt Nam trên thị trường nội địa...