Chặn dịch ngay từ đường biên

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp những ngày qua đã làm dấy lên lo ngại dịch có nguy cơ thẩm thấu vào Việt Nam nếu chúng ta không làm tốt công tác quản lý đường biên, để lọt người nhập cảnh trái phép.

Lực lượng Bộ đội biên phòng tuần tra kiểm soát tuyến biên giới vào ban đêm ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Văn Khương/Cổng thông tin Đồng Tháp
Sau khi Campuchia ghi nhận hơn 344 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 14/4, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn hơn 5.200, Thủ tướng Hun Sen đa đưa ra cảnh báo ca Covid-19 tăng khiến Campuchia "bên bờ vực sinh tử", trong bối cảnh nước này phong tỏa Thủ đô Phnom Pe và địa phương lân cận. Chính phủ Campuchia đã ra lệnh cấm tụ tập, không dự các hoạt động tôn giáo. Giao thông liên tỉnh Campuchia bị cấm trên toàn quốc, trừ giao thông giữa Phnom Penh và tỉnh Kandal. Ai vi phạm sẽ bị cách ly 14 ngày.
Hiện nay, đường biên giới Việt Nam - Campuchia dài khoảng 1.270km, trong đó phần đất liền là một đường biên trên bộ dài 1.137km. Người dân 9 tỉnh của Campuchia (Ratanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tbong Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takéo và Kampot) và 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) thường xuyên qua lại qua các cửa khẩu và lối mòn. Tương tự đường biên giới phía Bắc của Việt Nam giáp với Trung Quốc đi qua 7 tỉnh có chiều dài trên đất liền là 1.350km.

Trong những ngày gần đây, các ca dương tính với SARS-CoV-2 đều là người nhập cảnh vào Việt Nam. Ngày 14/4 có 16 ca mắc mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam. Ngày 15/4 có 4 ca mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang và Khánh Hoà. Các bệnh nhân có thể nhập cảnh cả bằng đường bộ (cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) hay đường hàng không (sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Nội Bài, Đà Nẵng).

Đáng lo ngại là khả năng có thể xảy ra như người dân sợ dịch trốn về nước hoặc người dân biết mình mắc bệnh sẽ về nước để được điều trị tốt hơn bằng cách nhập cảnh trái phép trên cả đường bộ lẫn đường biển. Rõ ràng, đây là lúc các lực lượng chức năng ở biên giới như biên phòng, hải quan, công an, dân quân tự vệ và chính quyền địa phương các huyện biên giới cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với nhau. Với đặc điểm biên giới của Việt Nam cần hình thành thế trận bọc lót cho nhau nhiều tầng, nhiều lớp canh phòng.

Người dân địa phương cần kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép báo cho lực lượng chức năng và không tiếp tay cho các trường hợp nhập cảnh trái phép. Đối với các cá nhân, tập thể hình thành các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép khi bị điều tra, phát hiện cần phải nhanh chóng được đưa ra xét xử công khai để tạo sự răn đe.

Điều quan trọng không kém là ngay trong các lực lượng đứng chân trên biên giới phải bảo đảm nghiêm các quy trình phòng, chống dịch. Bằng mọi cách không để lây lan dịch bệnh trong lực lượng phòng, chống dịch ở biên giới, khu cách ly và cán bộ y tế để tránh “bị thủng” ngay ở tuyến đầu chống dịch. Các tỉnh vùng biên cần xây dựng các kịch bản với các cấp độ ứng phó phòng, chống dịch để không bị động khi tình hình dịch Covid-19 bên ngoại biên diễn biến phức tạp và người dân nhập cảnh về đông hơn.