Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăn nuôi an toàn sinh học: Giải pháp hữu hiệu bảo vệ đàn lợn

Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hiện là một đại dịch trên thế giới và Việt Nam. Tại Việt Nam, đến nay DTLCP đã xuất hiện tại 62/63 tỉnh, TP, chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa có dịch.

Hà Nội không tránh khỏi “đại họa” này vì có tổng đàn lợn lớn 1,87 triệu con (đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Đồng Nai) song phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng (chiếm trên 60%).
Đến nay, sau hơn 4 tháng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền song thiệt hại do DTLCP trên địa bàn TP vẫn là rất lớn. Dịch bệnh đã xảy ra tại khoảng 26.000 hộ chăn nuôi (chiếm 32,2% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) thuộc 24 quận, huyện, làm mắc bệnh và tiêu hủy trên 440.000 con (chiếm 23,8% tổng đàn) với trọng lượng hơn 30.600 tấn.
Ước tính thiệt hại lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, những nguy cơ ảnh hưởng về an sinh xã hội cũng rất lớn. Đó là ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành nông nghiệp, giá cả thị trường, công ăn việc làm của người lao động.
Thực tế cho thấy, dịch bệnh trên đàn vật nuôi khi bùng phát đều xuất phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, những mô hình chăn nuôi tập trung theo quy trình an toàn sinh học, công nghệ cao, tự động hóa từ khâu chăm sóc đến khi cho ra thành phẩm đến nay vẫn đảm bảo an toàn.
Điển hình như các trang trại chăn nuôi thuộc Công ty Việt Hưng (Sơn Tây), Hợp tác xã Hòa Mỹ (Ứng Hòa), Hợp tác xã Hoàng Long (Thanh Oai)… Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, các hộ chăn nuôi phải có biện pháp chủ động, xác định “tự cứu” mình trong việc bảo vệ đàn lợn trong giai đoạn hiện nay. Chăn nuôi an toàn sinh học chính là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi nói chung và phòng bệnh DTLCP nói riêng.
Nguyên tắc cơ bản khi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là giữ đàn vật nuôi trong môi trường được bảo vệ: Khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác. Hạn chế tối đa người lạ ra vào khu vực chăn nuôi; trước cổng khu vực chăn nuôi và ở mỗi dãy chuồng phải có hố sát trùng; phải thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi.
Bên cạnh đó, cần chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn vật nuôi, tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn. Ngoài ra, khu vực chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ, phải biết rõ lai lịch, nguồn gốc, tình trạng bệnh dịch của vật nuôi mới nhập. Trại nuôi phải có đầy đủ trang thiết bị và quy trình vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, đảm bảo an toàn sinh học. Đặc biệt, đối với hộ chăn nuôi hiện đã xảy ra bệnh DTLCP, không nên thực hiện việc tái đàn.
Tuy thiệt hại lớn về do DTLCP, song hiện tại đàn lợn trên địa bàn Hà Nội vẫn còn rất lớn (khoảng trên 1 triệu con) nên vẫn cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền trong việc tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về phòng chống bệnh. Đặc biệt là sự quyết tâm của người chăn nuôi về áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Như vậy, sẽ hạn chế được thiệt hại, duy trì ổn định đàn lợn để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.