Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăn nuôi khó khăn, nhập khẩu thức ăn vẫn tăng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù tình hình chăn nuôi trên cả nước, nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm gặp nhiều khó khăn do giá xuống thấp, tuy nhiên nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 5 tháng đầu năm vẫn tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tháng 5 đàn trâu, bò cả nước không có nhiều biến động, phát triển ổn định nhờ các chương trình hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đàn bò sữa phát triển khá do có các dự án của nhiều công ty sữa đang được triển khai.
Chăn nuôi lợn tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì.
Hiện tại tổng số trâu của cả nước giảm khoảng 0,5%, tổng số bò tăng khoảng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đối với chăn nuôi lợn vẫn còn nhiều khó khăn, người chăn nuôi không tiêu thụ được sản phẩm dẫn đến tình trạng giảm đàn, bỏ đàn cùng với việc giá thịt lợn vẫn ở mức thấp, người chăn nuôi phải chịu lỗ. Ước tính số lượng lợn hiện tại của cả nước giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong khi chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu vẫn có chiều hướng tăng. Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 5/2017 đạt 344 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 5 tháng đầu năm 2017 lên 1,53 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Achentina (chiếm 44,7% thị phần), tiếp đến là Mỹ (13%), Ấn Độ (chiếm 5% thị phần) và Trung Quốc (4,2%). Thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Italia (tăng gần 9 lần), tiếp đến là thị trường Ấn Độ (tăng hơn 2 lần).

Cụ thể, khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 5/2017 đạt 184.000 tấn với giá trị 77 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 5 tháng đầu năm 2017 đạt 643.000 tấn và 280 triệu USD, tăng 8,4% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đối với sản phẩm ngô, khối lượng nhập khẩu ngô 5 tháng đầu năm 2017 đạt 3,05 triệu tấn với giá trị đạt 625 triệu USD, tăng 1,5% về khối lượng và tăng 6,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Achentina và Brazil là hai thị trường nhập khẩu ngô chính, chiếm lần lượt là 28,6% và 20,3% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này.

Điều đáng nói, trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang có sự tăng trưởng khá nóng. Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, hiện tại, nước ta có 218 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, với tổng công suất thiết kế trên 31 triệu tấn, cao hơn nhu cầu thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2020 (25 triệu tấn). Sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghiệp năm 2016 đạt 20,15 triệu tấn, tăng 27,3% so với năm 2015 (15,8 triệu tấn).