Sau 2 năm thực hiện Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP, Hà Nội đã xây dựng được 13 chuỗi. Mục tiêu từ nay tới năm 2020 xây dựng và hoàn thiện thêm 11 chuỗi.
Minh bạch thông tinThời gian qua, ngành chăn nuôi phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất chủ yếu vẫn mang tính manh mún và cung cấp sản phẩm tươi sống tới người tiêu dùng. Việc tiêu thụ thông qua hợp đồng còn ít, người chăn nuôi chưa chủ động về chi phí sản xuất và giá đầu vào của sản phẩm. Những bất cập đó khiến giá trị từ chăn nuôi mang lại chưa cao, giá cả biến động, người chăn nuôi gặp khó khăn và có tâm lý không muốn tái đàn. Song song với đó, ngành chăn nuôi còn phải đối mặt với nguy cơ mất ATTP do lạm dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh và hooc môn trong thực phẩm. Để giải quyết những bất cập này, cần đẩy mạnh chuỗi liên kết khép kín từ trang trại đến cơ sở giết mổ và chợ thực phẩm. Theo ông Nguyễn Thành Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, sở dĩ chăn nuôi theo chuỗi góp phần đảm bảo ATTP bởi các cơ sở tham gia vào chuỗi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong chăn nuôi, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch. Đồng thời có sự giám sát chặt chẽ tất cả các khâu từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra. HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm, Quốc Oai là một điển hình trong việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi. Không chỉ trụ vững trước cơn “bão giá” lợn vừa qua, HTX còn thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm. Anh Nguyễn Đình Tường – Giám đốc HTX cho biết: “Hiện, HTX đang chăn 400 con lợn thương phẩm, thức ăn sử dụng trong chuỗi 100% là thức ăn tự phối trộn có bổ sung thêm men sinh học. Mỗi ngày chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 0,5 tấn thịt lợn đảm bảo ATTP, có đầy đủ chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tem mác…”.Xu thế tất yếuThời gian qua, các nhóm chăn nuôi theo chuỗi đã tổ chức thành công hoạt động mua chung dịch vụ đầu vào, qua đó giảm được một số chi phí như thức ăn, thuốc thú y, con giống… Bên cạnh đó, có khả năng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của các DN. Việc tạo ra được sản phẩm an toàn đã được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và được tuyên truyền rộng rãi, giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng, đồng thời tăng giá trị sản xuất từ 15 – 20%.Qua thực tế, khi thị trường biến động, người chăn nuôi bị thua lỗ thì phương thức sản xuất theo chuỗi vẫn đảm bảo lợi ích cho tất cả các tác nhân tham gia chuỗi, phát triển chăn nuôi ổn định và chiều hướng phát triển tiêu thụ sản phẩm. Kết quả các mô hình trong dự án triển khai xây dựng trong 2 năm qua đã khẳng định, chỉ có phương thức tổ chức chăn nuôi theo chuỗi mới khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định trong chăn nuôi. Chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng, đồng thời xử lý triệt để vấn nạn mất VSATTP hiện nay. Đây sẽ là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị chăn nuôi và góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.