Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăn nuôi thời dịch tả lợn châu Phi: Cẩn trọng tái đàn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ phải căng mình phòng chống, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi lợn còn đang phải đối mặt với cơn “bão” giá, khiến họ rơi vào cảnh thế cùng, lực kiệt.

Lao đao vì dịch bệnh
Mặc dù các cấp, ngành và chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống DTLCP, tuy nhiên dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp, chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.
Tại Hà Nội, DTLCP đã xảy ra tại 18.904 hộ chăn nuôi (chiếm 23,4% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.027 thôn, tổ dân phố/430 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện. Tổng số lợn bị tiêu hủy lên tới 308.400 con (chiếm 16,4 tổng đàn) với trọng lượng hơn 21,3 tấn.
 Giá lợn giảm sâu khiến người chăn nuôi lợn thua lỗ nặng. Ảnh: Phương Nga
Trong khi dịch vẫn đang hoành hành, diễn biến phức tạp, người chăn nuôi lại phải đối mặt với việc giá lợn liên tục giảm sâu trong thời gian gần đây. Khảo sát tại một số vùng chăn nuôi trọng điểm của Hà Nội như Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa… hiện nay giá lợn hơi đã xuống mức 26.000 – 28.000 đồng/kg. Gia đình chị Trần Thu Hà, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức mấy ngày nay như ngồi trên đống lửa vì đàn lợn hơn 30 con đến thời điểm xuất chuồng nhưng chưa có người hỏi mua. Trong khi đó, vừa mới tuần trước, đàn lợn của hộ gia đình bên cạnh buộc phải tiêu hủy do mắc DTLCP. “Tôi đã gọi người vào mua nhưng họ ép giá xuống còn 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi con lợn tôi phải bù lỗ hơn 600.000 đồng” – chị Hà chua xót nói.
Về nguyên nhân giá lợn hơi giảm sâu trong thời gian vừa qua, một phần do người dân bán chạy lợn, khiến các tiểu thương ép giá, một phần do sức tiêu thụ thịt lợn giảm. Qua khảo sát tại một số chợ trong nội thành Hà Nội như chợ Hà Đông, chợ Thành Công… hay các chợ vùng ngoại thành đều ghi nhận sức tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh. Tại các khu chợ, những quầy bán thịt đều vắng khách.
“Tôi đã bán thịt nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng thịt lợn ế ẩm như hiện nay. Trước đây, tôi bán hết 2 con lợn trong một buổi sáng nhưng giờ chỉ thịt 1 con bán cả ngày không hết” – chị Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đục Khê (Mỹ Đức) chán nản nói.
Không nên nôn nóng
Những hộ chăn nuôi có lợn bị DTLCP lại đang đứng trước nỗi lo tái đàn, khôi phục sản xuất. Đáng ngại hơn là việc một số phường, xã sau khi đã khống chế dịch thành công nhưng nay dịch bệnh lại bùng phát trở lại. Điển hình như tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, địa bàn xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên tại Hà Nội (ngày 24/2) đã nhanh chóng tái nhiễm dịch sau khi được khống chế một thời gian ngắn.
Đứng bên dãy chuồng lợn trống hoác của gia đình, anh Đôn Văn Đặng, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai băn khăn: “Mặc dù đàn lợn của gia đình đã bị tiêu hủy cách đây hơn 2 tháng nhưng đến giờ tôi vẫn chưa dám tái đàn. Vợ chồng tôi đã bàn bạc chuyển hướng sang chăn nuôi con vật khác nhưng phải cải tạo lại chuồng trại và đầu tư con giống mới, trong khi gia đình đã cạn kiệt vốn vì đàn lợn trước rồi”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi các con vật khác chờ dịch đi qua. Ông Sơn khuyến cáo, người chăn nuôi không nên nôn nóng tái đàn thời điểm này do DTLCP vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Đặc biệt là mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu hành dẫn tới nguy cơ tái phát ổ dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. "Đối với các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra bệnh DTLCP (thôn, xã), sau 30 ngày không phát sinh dịch mới được tái đàn. Trước khi tái đàn phải báo chính quyền, thú y địa phương và được chính quyền địa phương cho phép. Nếu không khai báo sẽ bị xử lý vi phạm" - ông Sơn nhấn mạnh.

Đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 6 xã, phường thuộc 5 quận, huyện (phường Tứ Liên - Tây Hồ; phường La Khê - Hà Đông; phường Định Công, Thanh Trì - Hoàng Mai; phường Gia Thụy - Long Biên; xã Kim Lan - Gia Lâm) có DTLCP đã qua 30 ngày không phát sinh. Trong khi đó, 7 xã thuộc 6 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng phát sinh trở lại.