Thể dục dụng cụ vốn là môn thể thao không dành cho những "cậu ấm, cô chiêu", nhưng với Nguyễn Hà Thanh lại khác. Là con trai đầu lòng trong một gia đình viên chức, ngay từ khi mới lọt lòng, Thanh đã được cả nhà yêu thương, chiều chuộng. Nhưng duyên số với môn thể dục dụng cụ đã "đẩy" Hà Thanh xa vòng tay yêu thương của bố mẹ lúc chưa tròn 7 tuổi, sau khi lọt vào tầm ngắm của các chuyên gia trong một đợt tuyển quân tại trường Tiểu học Ba Đình.
Vận động viên thể dục dụng cụ Nguyễn Hà Thanh.
Khi ấy hầu hết ý kiến trong gia đình, họ hàng đều không đồng ý cho Thanh phải xa nhà. Sau nhiều cuộc họp gia đình, bố mẹ Thanh đắn đo mãi mới đồng ý cho Thanh theo nghiệp thể thao vì các chuyên gia khẳng định Thanh sẽ thành tài và sẽ được học văn hóa, tập luyện trong những điều kiện tốt nhất. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại, mẹ Hà Thanh vẫn cứ khóc ngắn, khóc dài vì thương đứa con trai bé bỏng đã sớm phải xa gia đình đằng đẵng gần chục năm trời.
Nhưng với Hà Thanh, dù tuổi thơ có khó nhọc hơn bạn bè cùng trang lứa, dù tối đến phải ôm nhau khóc vì nhớ mẹ, rồi phải đau đớn vượt qua những bài tập nhưng chưa một phút nào anh ân hận vì con đường mình đã chọn: "Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn thể dục dụng cụ".
17 năm theo thể dục dụng cụ, Hà Thanh là VĐV mà chấn thương luôn đeo bám dai dẳng nhất, lại thường rơi vào những thời điểm trước thềm các giải đấu quan trọng. Ngay như ở thời điểm dự Cúp thế giới 2012 ở Ostrava (Czech), Hà Thanh cũng phải vượt qua nỗi đau về chấn thương để tỏa sáng. Khi ấy, do mới đoạt huy chương tại giải vô địch châu Á, Thanh chưa kịp bình phục chấn thương lật cổ chân đã phải tham gia ngay Cúp thế giới. Trước giờ thi đấu, Thanh vẫn đi cà nhắc nhưng quyết tâm không để chấn thương làm lỡ cuộc tranh tài quan trọng nên anh đề nghị bác sĩ cho dùng tăng liều thuốc giảm đau, gấp vài lần và trước quyết tâm của Thanh, BHL đành đồng ý.
Không ai tưởng tượng được rằng, một VĐV với cái chân đau, đi lại còn khó khăn khi ấy đã có thể thực hiện được một động tác khó của thể dục dụng cụ thế giới là quay 2 vòng gập thân. Thanh đã khiến cả nhà thi đấu phải ngưỡng mộ và đây cũng là động tác quyết định giúp Thanh giành tấm HCV nhảy chống. Sau đó, anh còn giành thêm tấm HCB nữa ở nội dung xà kép. Màn trình diễn này giúp Thanh trở thành một trong số những VĐV thể dục dụng cụ xuất sắc nhất thế giới.
Trong năm nay, Hà Thanh hy vọng sẽ tiếp tục tỏa sáng và thực hiện được những động tác khó để tiếp tục ghi tên mình vào lịch sử thể dục dụng cụ Việt Nam và thế giới.