Theo Vietjet, đến giữa năm 2016 Công ty đã chiếm vị trí thứ 2 trong ngành Hàng không Việt Nam, chỉ sau Vietnam Airlines với 41% thị phần, 37 đường bay nội địa và 23 đường bay quốc tế. Công ty có 41 tàu bay mới được trang bị, bình quân thời gian khai thác chỉ khoảng hơn 3 năm. Chỉ số lấp đầy ghế tại Vietjet là 78,6%, cũng đứng thứ 2 sau Vietnam Airlines, chỉ thấp hơn gần 2% so với Vietnam Airlines.
|
Ngày 28/2, Vietjet chào sàn với giá 90.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh minh họa. |
Trong những năm gần đây, Vietjet đã đẩy mạnh việc tìm hiểu nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của người dân, khách du lịch, từ đó mở các đường bay mới; đưa ra thị trường những gói dịch vụ ưu đãi giá vé, ưu đãi vận chuyển hàng hóa…
Nhờ đó, những năm gần đây số lượng hành khách của Công ty tăng nhanh, đạt mức tăng trưởng 51% về số lượng khách và tăng 50% cho doanh thu năm 2016 so với 2015. Cũng trong năm 2016, Vietjet mua thêm 11 tàu bay mới, tiếp nhận đưa vào khai thác 9 đường bay nội địa, 11 đường bay quốc tế.
Đồng thời, từ 2013 đến nay, Vietjet tổ chức hoạt động bán máy bay, đây là khoản thu đứng thứ 2 của đơn vị sau dịch vụ vận chuyển hành khách, với trên 11.700 tỷ đồng.
Doanh thu năm 2016 Vietjet đạt 27.500 tỷ đồng, tăng 38,7% so với năm 2015, tăng gấp hơn 7 lần so với năm 2013 và lợi nhuận trước thuế đạt 2.394 tỷ đồng tăng gần 13% so với 2015.
Nếu như tính từ chuyến bay khởi hành đầu tiên của Vietjet vào tháng 12/2011 thì đây là một doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng.
Năm 2017, Vietjet đặt kế hoạch lợi nhuận 3.395 tỷ đồng, trả cổ tức hàng năm 50%, trong đó ít nhất 30% bằng tiền mặt.
Với bản cáo bạch tài chính kể trên, Vietjet chào sàn HOSE với mã cổ phiếu là VJC, mức giá chào sàn là 90.000 đồng/cổ phiếu. Vietjet xác lập mức vốn hóa thị trường khoảng 27.000 tỷ đồng, gấp khoảng hơn 1,4 lần giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp đang thu hút khá đông các nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu VJC.