Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chắp cánh” cho nghệ nhân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không nên chỉ dừng ở việc đề nghị xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân, hoặc sau khi...

Kinhtedothi - Không nên chỉ dừng ở việc đề nghị xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân, hoặc sau khi nghệ nhân được phong tặng mới có những hình thức đãi ngộ, hỗ trợ… là ý kiến của rất nhiều người khi chứng kiến cảnh “báu vật sống” giữ gìn di sản truyền thống vất vả đời áo cơm để giữ nghề.

Chông chênh duy trì

Danh sách nghệ nhân được làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội năm 2015 lên đến 51 người. Đó là con số lớn nhất so với các tỉnh, thành cả nước trong đợt đầu ngành văn hóa quyết tâm phong tặng danh hiệu vốn đã được bàn thảo và chờ đợi hàng chục năm nay. Chưa bàn đến chất lượng nghệ thuật, uy tín nghề nghiệp của từng trường hợp cụ thể, nhưng con số đó phần nào phản ánh tiềm năng di sản văn hóa phi vật thể phong phú của Hà Nội và sự đông đảo của lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ quần chúng đang gắn bó với di sản văn hóa phi vật thể tại Thủ đô. Dù ở nhiều mức độ khác nhau, với những thuận lợi còn ít và khó khăn thì thường trực, nhưng lực lượng này vẫn đang tham gia giữ gìn, truyền dạy, trình diễn di sản, đóng góp vào đời sống văn hóa chung.

Điều rất đáng quan tâm là bên cạnh việc đề xuất và chờ phong tặng, các ngành chức năng của TP Hà Nội, trong đó chủ lực là ngành văn hóa, cần sớm xây dựng kế hoạch hỗ trợ về nghề nghiệp cho các nghệ nhân trên địa bàn. Bởi theo Nghị định phong tặng danh hiệu nghệ nhân, hình thức đãi ngộ nghệ nhân còn rất hạn chế. Ngoài chứng nhận danh hiệu và một khoản tiền thưởng, thì định hướng còn chung chung: Nghệ nhân có đời sống khó khăn sẽ được trợ cấp. Trong khi đó, phần lớn nghệ nhân – “báu vật sống” đang duy trì di sản trong tình trạng rất khó khăn.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu – CLB ca trù Chanh Thôn, huyện Phú Xuyên.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu – CLB ca trù Chanh Thôn, huyện Phú Xuyên.
Thực tế, khi chưa bắt tay xây dựng hồ sơ để trình lên Bộ VHTT&DL và chờ xét phong tặng, Hà Nội đã có những hỗ trợ nhất định cho nghệ nhân, một số nhóm, CLB nghệ thuật truyền thống. Cụ thể, trong Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011 và 2014, Sở VHTT&DL đã tổ chức đưa đón, bồi dưỡng luyện tập cho các ca nương, đàn kép. Tuy nhiên, những giúp đỡ này vẫn như “muối bỏ bể” trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, thách thức của các CLB, nhóm nghệ nhân, nghệ sĩ đang giữ gìn di sản. Ông Nguyễn Đức Nam – kép đàn của CLB ca trù Đồng Trữ (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Sau rất nhiều năm lặng tiếng, đến năm 2008, ca trù Đồng Trữ được phục hồi trở lại, nhưng việc truyền dạy cũng chưa có kinh phí hỗ trợ và tổ chức biểu diễn còn khó khăn. Vì khán giả ở nông thôn cũng chưa mặn mà cho lắm!”. Ca nương Nguyễn Thị Thảo (thôn Lỗ Khê, Liên Hà, Đông Anh) cũng chung tâm trạng: “Kinh phí hỗ trợ việc dạy và học ở địa phương thì vài năm mới được ngành văn hóa và huyện giúp cho một lần. Việc biểu diễn không nhiều, chỉ có dịp đầu năm diễn cho một số đám khao thọ, thỉnh thoảng phối hợp với bên CLB ca trù Hà Nội của ca nương Bạch Vân và giáo phường ca trù Thăng Long của ca nương Phạm Thị Huệ sang biểu diễn trong khu Phố Cổ”.

Một số nhóm đang giữ gìn các di sản nghệ thuật truyền thống khác cũng đứng ở sự chông chênh của việc duy trì, phát huy giá trị nghề nghiệp. Hai nghệ nhân kỳ cựu Nguyễn Văn Dậu – phường rối nước Chàng Sơn và Nguyễn Hữu Đoàn – phường rối nước Bình Phú ở huyện Thạch Thất từng mong mỏi xung quanh việc sửa chữa, nâng cấp thủy đình, cải tạo môi trường hồ nước để biểu diễn. Hai phường rối này cùng với phường rối nước làng Yên cũng ở huyện Thạch Thất, hàng năm được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời biểu diễn một lần phục vụ du khách tham quan. Tuy nhiên, hoạt động rất đáng nhân rộng hay cần được duy trì thường xuyên đó lại chưa có thêm sự hỗ trợ.

“Khoảng trống” của di sản

Thời gian qua, với sự phối hợp của Quỹ văn hóa Hà Nội, dự án “Về nguồn” đang được triển khai cho một số nhóm học sinh, sinh viên ở Hà Nội đi tìm hiểu di sản văn hóa phi vật thể tại một số làng nghề như làng quạt Canh Hoạch (huyện Thanh Oai), làng tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên)… và một số địa chỉ nghệ thuật truyền thống, trong đó có giáo phường ca trù Thăng Long. Dự án bước đầu đã đem lại những cảm nhận thú vị cho các bạn trẻ. Hoạt động mới này rất cần được tổ chức thường xuyên để kết nối tuổi trẻ với di sản văn hóa, tạo điều kiện cho nghệ nhân, nghệ sĩ được quảng bá cho di sản và chính mình, góp phần xây dựng lớp công chúng mới của nghệ thuật truyền thống.
Nghệ nhân phường rối nước Bình Phú kiểm tra các quân rối.
Nghệ nhân phường rối nước Bình Phú kiểm tra các quân rối.
Nhìn vào hoạt động du lịch trên địa bàn Thủ đô, còn dễ thấy sự thiếu vắng của việc trình diễn nghệ thuật truyền thống với vai trò chủ chốt của các nghệ nhân, nghệ sĩ làng quê. Biểu diễn phục vụ du lịch mới chỉ tập trung trong nội thành với lực lượng là nghệ sĩ chuyên nghiệp của các nhà hát, còn rất thiếu tiếng đàn, tiếng hát, điệu múa của các nghệ nhân ở các khu danh thắng, di tích lớn. Thiếu cả các tour, tuyến du lịch ngắn, về tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền, phong tục tập quán tại các địa bàn cơ sở. Đây là một khoảng trống lớn mà ngành văn hóa và các địa phương nên nghiên cứu xây dựng.

Việc giới thiệu chung về các môn nghệ thuật truyền thống ở Hà Nội như ca trù, tuồng, rối nước, chèo tàu, hát dô… trên sóng truyền hình Hà Nội đã được thực hiện. Nhưng sự lan tỏa sẽ lớn hơn nếu giới thiệu những tác phẩm, bài ca của các di sản này qua các chương trình nghệ thuật ca múa nhạc cổ truyền định kỳ. Mỗi tiết mục nghệ thuật ấy sẽ được chính các nghệ nhân, các thành viên CLB, nhóm nghệ thuật cổ truyền ở các địa phương thể hiện. Cách làm này rất cần sự bắt tay giữa ngành văn hóa và “nhà đài” để tạo thêm điều kiện cho các nghệ nhân, chứ không chỉ “khoanh vùng” trong nghệ sĩ chuyên nghiệp. Chỉ như vậy, khán giả mới có thêm cơ hội thưởng thức di sản gần với nguyên gốc.

Trong hoàn cảnh các hoạt động phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đang được thực hiện, ngành văn hóa Hà Nội nên nghĩ rộng và xa hơn việc phong tặng đơn thuần, để trong tương lai gần, các nghệ nhân còn có thêm trợ lực cho việc trình diễn, truyền dạy, bảo tồn di sản. “Chắp cánh” cho nghệ nhân cũng chính là “chắp cánh” cho đời sống văn hóa nghệ thuật ở các địa phương của Hà Nội thêm phong phú và nhân văn.
Bắc Ninh là một trong những địa phương hiếm hoi có “Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh” mà Hà Nội có thể học tập. Những nghệ nhân dân ca quan họ đã được Chủ tịch UBND Bắc Ninh phong tặng đợt 1 sẽ được thụ hưởng, đồng thời mức hỗ trợ hàng tháng bằng một lần mức lương tối thiểu; được hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm; được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức Nhà nước. Bên cạnh đó, những nghệ nhân này vẫn được ngành văn hóa đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú và được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Căn bệnh thành tích vốn là căn bệnh cố hữu của chúng ta. Thậm chí, chúng ta sắp trở thành “thợ làm đề án”, “chuyên gia làm hồ sơ” rồi, bởi vì cứ làm hồ sơ xét duyệt cái nào là được phong tặng cái đó. Điều này cũng rất tuyệt vời nhưng nếu chúng ta cố gắng dừng lại để đầu tư các di sản đã được vinh danh có một chỗ đứng nhất định và theo đó các nghệ nhân họ cũng yên tâm làm nghề thì tốt biết mấy.
GS.TS Ngô Đức Thịnh
Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam