Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chất lượng điện giúp tăng dòng chảy FDI vào Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc cung cấp nguồn điện ổn định, chất lượng tốt, Nhà máy của Intel Việt Nam đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đang có nhiều kế hoạch mới.

Đại diện lãnh đạo Công ty Intel Việt Nam cho hay, 4 năm qua, hợp tác giữa Intel và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) rất hiệu quả, nguồn cấp điện luôn ổn định, giúp Intel đảm bảo được công suất hoạt động của Nhà máy.
Nhà máy Intel Việt Nam.
Nhà máy Intel Việt Nam.
Thời gian tới, Intel sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động và đưa vào sản xuất tại Việt Nam những sản phẩm phức tạp và khó hơn, bởi yên tâm với nguồn cung cấp điện ổn định và chất lượng tại đây.

Có quy mô vốn đầu tư 1 tỷ USD, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2010, với yêu cầu chất lượng điện rất cao, hơn cả những quy định hiện hành của Bộ Công thương, để sản xuất thiết bị vi mạch, Intel đã trở thành hộ tiêu thụ điện quan trọng trên địa bàn quản lý của EVN HCMC.

Để làm hài lòng khách hàng đặc biệt này và từ đó thu hút thêm nhiều khách hàng khó tính khác, hoạt động đầu tư đã được ngành điện triển khai. EVN HCMC đã tăng cường tần suất và phạm vi tuần tra, kiểm tra lưới điện trong và ngoài trạm 110kV Intel, kết hợp với sử dụng các thiết bị thử nghiệm chẩn đoán tiên tiến như camera nhiệt, máy đo phóng điện cục bộ, máy quay phóng điện vầng quang… nhằm nhanh chóng phát hiện nguy cơ có khả năng gây sự cố, đưa ra giải pháp xử lý kịp thời đã được triển khai.

Đặc biệt, từ năm 2014, thiết bị thu thập số liệu về chất lượng điện năng tại trạm 110kV Intel đã được lắp đặt và không có ghi nhận bất thường về chất lượng điện năng cung cấp cho Intel sau 1 năm hoạt động.

Sau Intel, Khu phức hợp Điện tử gia dụng - nơi nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm điện tử cao cấp như SUHD, Smart TV, LED TV đến các thiết bị gia dụng khác, với quy mô vốn 1,4 tỷ USD của Tập đoàn Samsung cũng chuẩn bị đi vào sản xuất trong năm 2016 tại SHTP.

EVN đã đầu tư gần 500.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015 (gấp 2,4 lần so với khối lượng thực hiện trong giai đoạn 2006-2010) cho việc phát triển nguồn và lưới điện. Đến cuối năm 2015, tổng công suất nguồn điện cả nước đạt 38.800 MW, hệ thống điện được vận hành an toàn, ổn định và có dự phòng trên 20%.

Trong giai đoạn 2016-2020 sắp tới, EVN tiếp tục phải huy động đủ nguồn lực để đầu tư các công trình nguồn và lưới điện với quy mô trên 600.000 tỷ đồng.