Đại biểu Nguyễn Huy Được ( Tổ Ba Vì) |
Tuyên truyền nhằm giảm ùn tắc giao thông chưa hiệu quả
Trả lời chất vấn đại biểu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, trên địa bàn Thanh Xuân có một số điểm hay xảy ra ách tắc giao thông vào giờ cao điểm như tuyến đường Lê Văn Lương, đường Nguyễn Trãi… Điều này trách nhiệm trước hết thuộc về bộ phận Công an Giao thông và Thanh tra Giao thông quận và một số cơ quan liên quan. Tuy nhiên, lưu lượng tham gia giao thông trên các tuyến đường này rất lớn khiến tình trạng ùn tắc xảy ra tại nhiều thời điểm.
Về giải pháp, quận Thanh Xuân đã có các giải pháp như tuyên truyền, tổ chức lại một số tuyến đường cấm một chiều một số đoạn như tại đường Vũ Trọng Phụng, tăng cường xử phạt các vi phạm giao thông và thí điểm thành lập tổ tự quản 24/24 giờ. “Về các giải pháp tuyên truyền, quận đã tích cực tuyên truyền cho người dân trên địa bàn để đảm bảo trật tự giao thông. Các trường học trên địa bàn Thanh Xuân cũng điều chỉnh lịch học về muộn hơn để giảm tải mật độ giao thông. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tuyên truyền hết cho tất cả các người dân lưu thông trên các tuyến đường này được. Vì thế, hiệu quả của việc tuyên truyền nhằm giảm ùn tắc giao thông vẫn chưa hiệu quả như mong muốn”- ông Lưu nói thêm.Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu |
Kết quả lập lại trật tự đô thị chưa duy trì được thường xuyên
Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu Tướng Đoàn Duy Khương, đại diện Ban chỉ đạo 197 TP cho biết, trong gần 9 tháng triển khai Kế hoạch 01 về lập lại trật tự trên hè phố, công tác đảm bảo trật tự đô thị, ATGT đã có những chuyển biến rất tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của TP. Ông Khương cũng cho hay, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1.200 điểm trông giữ phương tiện. Công an TP đã phối hợp với các lực lượng liên quan, kiểm tra, xử lý, xoá 211 điểm, tháo dỡ trên 16.000 lều lán, giải toả 195 chợ, sắp xếp lại 93 chợ, phối hợp kẻ vẽ lại vạch sơn trên hàng trăm tuyến phố.Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu Tướng Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn |
Nhìn nhân nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, mất trật tự văn minh đô thị còn tồn tại, tái diễn, ông Khương cho rằng, do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng giao thông; hiện tượng người dân ngoại tỉnh về kinh doanh, bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè còn phổ biến.
Bên cạnh đó cũng có dấu hiệu trùng xuống trong công tác của các lực lượng chức năng. “Sau thời gian đầu triển khai tích cực, kết quả lập lại trật tự đô thị chưa duy trì được thường xuyên; vai trò của các ban ngành đoàn thể còn mờ nhạt, một số còn ỷ lại, khoán trắng cho lực lượng chức năng” - ông Khương thẳng thắn.Về những giải pháp cho tình trạng tái diễn vi phạm lấn chiếm hè đường, gây mất trật tự, ATGT, văn minh đô thị, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, khi tổng kết 1 năm thực hiện Kế hoạch 01, Ban Chỉ đạo 197 sẽ làm rõ hơn, sâu sắc hơn vấn đề trách nhiệm và có thêm những giải pháp tích cực để chỉnh trang đô thị.
Bao giờ có cơ chế quản lý vỉa hè theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội?
Tái chất vấn về vấn đề quản lý vỉa hè, Đại biểu Nguyễn Minh Đức nhận định, hiện ở Hà Nội đã hình thành một thuật ngữ là “kinh tế vỉa hè”. Chủ tịch UBND TP cũng đã chỉ đạo quy hoạch lại vỉa hè, sắp xếp kinh doanh trên vỉa hè một cách ngăn nắp, trật tự. Những nơi cho kinh doanh trên vỉa hè cần được đấu thầu và có thu phí. Tuy nhiên, đến nay nội dung này chưa được thực hiện, dẫn đến tình trạng lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh còn diễn ra phổ biến. Ông Đức tái chất vấn về vấn đề nêu trên và đặt câu hỏi: “Đến bao giờ mới có các cơ chế, chính sách để quản lý vỉa hè theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP?”
Đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) chất vấn, qua giám sát của Ban đô thị HĐND TP cho thấy việc thực hiện các dự án đầu tư quy hoạch bãi đỗ xe còn rất chậm. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh thấp, mới đạt 14,87% trên tổng số diện tích đất dành cho giao thông tĩnh. Qua rà soát, 95 dự án, đến thời điểm này mới có 59 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ nhiều năm nhưng chưa được triển khai đầu tư, trong đó có nhiều dự án hết hạn được cấp phép đầu tư chưa được thu hồi. Điều này phản ánh công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong thời gian qua chưa hiệu quả, việc theo dõi giám sát đôn đốc kêu gọi dự án chưa được quan tâm đúng mức.
Vì thế, đề nghị Giám đốc Sở QH&ĐT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan liên quan để xảy ra tồn tại trên và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án, công trình được phê duyệt trong thời gian tới. Đồng thời, khi nào quy hoạch bến xe, trạm dừng nghỉ mới được ban hành để thay thế quy hoạch cũ để làm căn cứ kêu gọi đầu tư xã hội hóa?
Thiếu nơi trông giữ xe
Chủ tịch UBND quận Quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, năng lực của giao thông tĩnh trên địa bàn quận mới đáp ứng được 9% nhu cầu thực tế, do đó dẫn đến tình trạng trông giữ, dừng đỗ phương tiện trái phép. "Quận đã tích cực triển khai công tác duy trì, xử lý vi phạm trật tự đô thị. Cụ thể đã giải toả trên 40 điểm trông giữ xe không phép, tạm giữ 300 xe, phạt hành chính 1.254 phương tiện khác”.
Chủ tịch UBND quận Quận Đống Đa Võ Nguyên Phong trả lời, giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm |
Ông Phong Khẳng định, vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn Đống Đa đã giảm, được Ban chỉ đạo 197 TP đánh giá tốt. Tuy nhiên còn một số vị trí vẫn phát sinh vi phạm.
Quận đã thành lập 10 Tổ Công tác nhằm kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, lãnh đạo các địa bàn còn tồn tại, tái diễn vi phạm. “Thời gian tới Đống Đa sẽ tập trung vào 5 giải pháp: Phối hợp với Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho dừng đỗ trên lòng đường (30 điểm); Tăng cường quản lý, kiểm tra việc niem yết giá trông giữ phương tiện, dừng đỗ e trái phép; Ứng dụng iParking; Lắp đặt camera theo dõi, phạt nguội các vi phạm” - ông Phong cho hay.
Trả lời tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, TP sẽ dành 3 – 4 % diện tích đất đô thị cho giao thông tĩnh; tuy nhiên đến nay mới chỉ đạt được 0,6% và chủ yếu vẫn là trên lòng đường, hè phố. Theo phân cấp của TP thì quản lý vỉa hè là thẩm quyền của UBND các quận huyện, lòng đường là thẩm quyền của Sở GTVT.
“Thực tế hiện nay, luật pháp vẫn cho phép các đô thị dùng một phần lòng đường, vỉa hè để đỗ xe, tuy nhiên cũng có các quy định cụ thể, rõ ràng” – ông Viện khẳng định. Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, hiện việc cấp phép trông giữ xe trên các tuyến đường vẫn đảm bảo đúng quy định nhưng các chủ bãi thường xuyên lấn chiếm, vượt quá diện tích được cấp phép. Để chấm dứt tình trạng này, sắp tới TP sẽ triển khai nhân rộng dịch vụ iParking trên toàn địa bàn TP. Sở đã kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án bãi đỗ xe tập trung trên địa bàn TP, báo cáo Lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP và đang tích cực đôn đốc các dự án chậm trễ. Với một số dự án quá chậm trễ hặc có nhiều sai phạm Sở sẽ kiến nghị UBND TP thu hồi.
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Công tác quy hoạch hệ thống bến bãi được phê duyệt từ năm 2003 và đến nay không còn phù hợp với thực tiễn. Trước đây, lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân chưa nhiều nhưng những năm gần đây áp lực đối với các bến bãi đỗ xe đã tăng lên. Thực tế trong thời gian qua, ta chưa thực sự ưu tiên công tác này.
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền |
Khoảng 5 năm gần đây, TP đã có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề rà soát quy hoạch đầu tư; về các nhà đầu tư xây dựng các tòa nhà cao tầng, khu chung cư đảm bảo đủ diện tích ngầm đảm bảo cho các hộ dân; về xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm và cao tầng. Cụ thể, TP đã kêu gọi 4 dự án đầu tư đỗ xe. Trên thực tế đã có 2 nhà đầu tư đăng ký vào 1 dự án cho thấy sức hấp dẫn trong lĩnh vực này chưa cao.
Về việc ứng dụng CNTT trong việc quản lý điều hành bến bãi xe. Trong thời gian qua, Sở đã cùng các đơn vị khác tiến hành công bố các danh mục kêu gọi đầu tư, đã kêu gọi được 89 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, 22 dự án đã hoàn thành để đưa vào hoạt động, 54 dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định, 13 dự án đang được UBND TP chấp thuận về chủ trương, trên cơ sở đó nhà đầu tư triển khai lập kế hoạch chi tiết. Tuy vậy tiến độ triển khai với yêu cầu thực tiễn còn chậm. Vì thế, Sở vẫn đang tiến hành rà soát, đôn đốc từng dự án một, đồng thời, xử lý với 8 dự án vi phạm thủ tục hành chính với mức xử phạt 132,5 triệu đồng.