Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Á - động lực cho tự do thương mại

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu Á đang tiếp tục là động lực cho tự do thương mại toàn cầu sau khi triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Á cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2017 ra tuyên bố kêu gọi các chính phủ trên khắp thế giới và cộng đồng DN kiên trì thúc đẩy mở cửa thị trường. Tại Diễn đàn, lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về toàn cầu hóa toàn diện và bền vững đã nhận được sự ủng hộ của đại diện các nước tham dự BFA.
 Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017.
Chủ đề “Toàn cầu hóa và Thương mại tự do: Triển vọng châu Á” của BFA năm nay đã phản ánh sự quan tâm đến vấn đề này từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ở châu Á. Diễn đàn cũng thể hiện sự đồng thuận của khu vực trong việc thúc đẩy hợp tác và nâng cao ảnh hưởng của châu Á kể từ khi thành lập 16 năm trước. 
Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Gia Lâm nhấn mạnh rằng, các nước châu Á nên cùng nhau thúc đẩy toàn cầu hóa, thúc đẩy phát triển cân bằng và công bằng và cải cách quản trị kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, trong bối cảnh các nước phương Tây như Mỹ, Anh... đang ngả về xu hướng bảo hộ thương mại, vai trò của châu Á với tư cách là một khu vực lý tưởng để dẫn đầu giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa đã được nhấn mạnh. 

Trên thực tế, châu Á đang tiếp tục là động lực cho tự do thương mại toàn cầu sau khi Báo cáo đánh giá về triển vọng tăng trưởng của kinh tế châu Á trong năm 2017 được công bố tại Diễn đàn cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Theo đó, nền kinh tế châu Á năm 2017 sẽ tăng trưởng ổn định, việc làm được cải thiện, thương mại quốc tế, môi trường đầu tư sẽ có nhiều khởi sắc, kinh tế Ấn Độ và ASEAN tăng trưởng nhanh chính là nhân tố lôi kéo tăng trưởng khu vực, cho dù tăng trưởng của Trung Quốc, Nhật Bản đang chậm lại...

Với 6 đề xướng được đề cập trong 
Tuyên bố chung, các nước thành viên BAF đã thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế bằng những hành động cụ thể của các quốc gia châu Á trong bối cảnh làn sóng chống lại toàn cầu hóa trên thế giới đang có xu hướng nổi lên.