Số liệu của ADB cho thấy, trong năm 2011, khu vực kinh tế sôi động nhất thế giới đã đóng góp 35,7% vào GDP toàn cầu tính theo ngang giá sức mua (PPP), tăng nhẹ so với mức 35% của năm 2010 và đánh dấu xu hướng thống trị kinh tế thế giới được thiết lập từ năm 2004. Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công, tỷ lệ đóng góp GDP thế giới của châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục giảm xuống lần lượt 27,6% và 23%. Bản báo cáo cho biết, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản vẫn là những nền kinh tế lớn nhất khu vực, chiếm tổng cộng hơn 70% GDP khu vực. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng GDP 2011 chậm lại ở nhiều nước, ADB vẫn tỏ ra lạc quan trước tốc độ tăng trưởng trung bình 5,6% của khu vực khi so với con số tương tự 2,3% của châu Âu và 1,7% của Mỹ.
Đường phố Singapore luôn sạch và xanh.
Cũng trong báo cáo này, ADB cho biết Chính phủ các nước châu Á - Thái Bình Dương phải hành động ngay lập tức thực hiện chiến lược xây dựng đô thị xanh, thân thiện với môi trường, nếu không sẽ phải đối mặt với một tương lai ảm đạm do môi trường bị ô nhiễm và suy thoái. Theo ông Changyong Rhee, kinh tế trưởng của ADB, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại khu vực này đã kéo theo những thách thức chưa từng có đối với môi trường. Chỉ trong vòng 10 năm, đã có 21 thành phố châu Á lọt vào danh sách 37 thành phố lớn nhất thế giới và dự báo 30 năm tới, dân cư đô thị tại đây sẽ cán mốc 1,1 tỷ người. Sự gia tăng chóng mặt này đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là hiện tượng ô nhiễm môi trường trầm trọng do các khu nhà ổ chuột mọc lên như nấm.
ADB bày tỏ lo ngại, nếu các Chính phủ châu Á không kiểm soát được lượng khí thải carbon dioxide tại khu vực đô thị, nó sẽ tăng lên mức 10,2 tấn bình quân đầu người vào năm 2050 và chắc chắn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả châu Á và phần còn lại của thế giới. Ngoài ra, ADB cũng dự báo, tốc độ đô thị hóa khiến hơn 400 triệu người đang sinh sống tại các thành phố ở châu Á phải hứng chịu nguy cơ lũ lụt ven biển, 350 triệu người phải sẵn sàng ứng phó với lũ lụt nội đô từ nay đến năm 2025.
Một trong những giải pháp mà Chính phủ nhiều nước đưa ra để khắc phục tình trạng trên được ADB đánh giá cao hiện nay là việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các tòa nhà sử dụng năng lượng thông minh, cải thiện hệ thống giao thông… Trong đó, mô hình thu phí phát thải tại Singapore, loại bỏ trợ cấp nhiên liệu không hiệu quả tại Indonesia, xây dựng lưới điện thông minh tại Thái Lan, xây dựng nhà máy tái chế rác thải thành năng lượng tại Sóc Sơn (Việt Nam)… được ADB khuyến khích các nước châu Á khác học tập và phát triển.