Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu đóng cửa biên giới sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin EU đóng cửa biên giới khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương trước mắt diễn biến có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Châu Âu đóng cửa biên giới vì Covid-19
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại châu Âu có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngày 17/3 lãnh đạo của tất cả các quốc gia thành viên EU đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu thông qua một kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương việc đóng cửa biên giới (closure of external borders) không phải là phong tỏa (lockdown). 
Cụ thể, những người không phải công dân EU sẽ không được nhập cảnh vào khu vực này trong ít nhất 30 ngày tới và có thể kéo dài nếu cần thiết. Công dân EU, thân nhân của họ, các nhà ngoại giao, nhân viên/chuyên gia y tế và những người vận chuyển hàng hóa được miễn áp dụng quy định trên. 
 Ảnh minh họa
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định: “Quy định kiểm soát dịch bệnh này của EU trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU bởi lẽ quy định này chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân; hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế”.
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát dịch sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ  đến tiêu thụ hàng hóa; gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ.
Ngoài ra, lượng cung - cầu của thị trường, nhu cầu trao đổi hàng hóa, các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác trong đó có Việt Nam cũng sẽ phần nào bị hạn chế.
Kiến nghị giảm 50% các loại thuế cho doanh nghiệp

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu) của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Một số lĩnh vực điển hình được đề xuất giãn thời gian nộp thuế như: du lịch, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý III hoặc quý IV/2020. Hỗ trợ miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nói trên theo hướng miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế nhập khẩu. Đồng thời, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh.

 Ảnh minh họa

Về chính sách tài chính, tín dụng, cho phép TP tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được Chính phủ duyệt và đang giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai. Giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp và không để doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu.

Thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nói trên (trong đó bao gồm cả giảm lãi suất đối với các khoản doanh nghiệp đã vay và giảm lãi suất đối với các khoản vay mới).

UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay.

Bộ Tài chính miễn, giảm 15 loại phí "cứu" thị trường chứng khoán

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư về việc miễn, giảm 15 loại phí dịch vụ để hỗ trợ thị trường này.

Cụ thể, 6 loại phí được miễn hoàn toàn bao gồm dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

Về giảm tiền phí dịch vụ, 9 dịch vụ được giảm giá từ 10 đến 50% giá phí bao gồm.

Giảm 10% đối với 3 dịch vụ bao gồm: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán.

 Ảnh minh họa

Giảm từ 15 - 20% đối với 2 dịch vụ bao gồm: Dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh;

Giảm từ 30 - 50% đối với 4 dịch vụ bao gồm: Dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Thời gian áp dụng mức giảm giá và miễn thu tiền sử dụng dịch vụ quy định tại Thông tư ít nhất trong vòng hơn 5 tháng (từ ngày 19/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020).

Giá dầu thế giới xuống 20 USD/thùng, doanh nghiệp trong nước lỗ nặng

Ngày 20/2, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 6,58 USD (24,4%) xuống 20,37 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất trong suốt 18 năm qua, kể từ ngày 20/2/2002.

Giá dầu Brent Biển Bắc cũng hạ 3,85 USD (tương đương mức giảm 13,4%) xuống 24,88 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003.

 Ảnh minh họa
Trước những diễn biến về việc giá dầu thế giới liên tục giảm sâu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng mới đây đã chủ trì cuộc họp đột xuất trực tuyến với một số đơn vị trong tập đoàn này về tình hình sản xuất kinh doanh, các giải pháp ứng phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm đột biến.

Theo tính toán, với việc giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu bán dầu của PVN sẽ giảm tương ứng khoảng 225.000 USD/ngày. Với việc giá dầu xuống mức 30 - 35 USD/thùng, PVN sẽ mất khoảng 3 tỷ USD doanh thu trong năm 2020.

Giá dầu thế giới liên tục lao dốc cũng khiến các doanh nghiệp trong nước điêu đứng. Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cho hay đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu giảm từ 30 - 40% so với cùng kỳ các năm trước, trong đó sản phẩm nhiên liệu bay Jet A1 có mức giảm sâu nhất.

Theo hợp đồng kỳ hạn năm 2020, tổng khối lượng xăng dầu BSR giao mỗi tháng cho các khách hàng vào khoảng 634.000m3, gồm 302.000m3 xăng 95/92; 272.000m3 dầu DO và 60.000m3 nhiên liệu bay Jet A1. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, tồn kho xăng dầu của BSR có xu hướng tăng nhanh do lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp cũng giảm ở mức 30 - 40% khiến kho chứa của nhà máy luôn trong tình trạng đầy nhiên liệu.

Giá dầu thế giới đã giảm xuống dưới 30 USD/thùng hôm 16/3 khi dịch Covid-19 làm gia tăng lo ngại quanh việc chính phủ các nước ban hành lệnh phong toả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, qua đó dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu.

CEO một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn đề nghị không nêu tên cho hay, các DN xăng dầu đang trong cảnh khó khăn kép. Dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay làm sản lượng tiêu thụ trên cả ba miền của đơn vị sụt giảm kinh hoàng.