Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu không gom đủ 1.300 tỷ USD để cứu đồng euro

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Rất nhiều hy vọng đã được đặt vào cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung diễn ra đêm 29/11 tại Brussels (Bỉ) khi các bên nỗ lực tìm kiếm cơ hội mở rộng Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) lên 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD).

Đồng tiền chung của 17 quốc gia đứng trước nguy cơ bị xóa sổ sau 12 năm tồn tại do áp lực khủng hoảng nợ công. Lãnh đạo khu vực này liên tục nhóm họp để tìm giải pháp nhưng một cam kết cụ thể vẫn chưa được đưa ra

Rất nhiều hy vọng đã được đặt vào cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung diễn ra đêm 29/11 tại Brussels (Bỉ) khi các bên nỗ lực tìm kiếm cơ hội mở rộng Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) lên 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD). Đây sẽ là nguồn lực cần thiết để cứu các nền kinh tế lớn như Italy, Tây Ban Nha… khỏi nguy cơ vỡ nợ, qua đó tránh cho khu vực đồng tiền chung ra khỏi miệng vực sụp đổ.

Tuy nhiên, ngay sau cuộc họp, Thủ tướng Luxembourg, đồng thời là người đứng đầu khu vực đồng tiền chung Jean-Claude Juncker cho biết mục tiêu 1.300 tỷ USD rất khó đạt được. Tuy nhiên, EFSF chắc chắn sẽ được mở rộng so với mức hơn 570 tỷ USD hiện nay. Ông Juncker cũng khẳng định hầu bao này đủ sức cứu Italy hay Tây Ban Nha trong trường hợp cần cứu trợ.

Thỏa thuận giữa các Bộ trưởng Tài chính cũng sẽ cho phép lãnh đạo eurozone sử dụng EFSF để đảm bảo cho trái phiếu của các quốc gia, bằng cách đưa ra khoản bảo hiểm trị giá 20 - 30% mệnh giá. Động thái này sẽ giúp các Chính phủ châu Âu tránh phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao, tương tự con số 7,6% cho kỳ hạn 10 năm và 7,9% cho kỳ hạn 3 năm mà Italy phải tung ra hồi tuần trước.

Tại cuộc họp, các Bộ trưởng Tài chính cũng đồng ý thành lập một quỹ đầu tư, trong đó cho phép khu vực tư nhân cũng bỏ vốn vào EFSF. Trao đổi với BBC, người đứng đầu quỹ này - ông Karl Regling cho biết hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra con số cụ thể về quy mô cũng như tỷ lệ góp vốn tối đa của các nhà đầu tư phi Chính phủ.

Tuy nhiên, ông này thừa nhận rằng nhu cầu vốn để cứu những nền kinh tế lớn như Italy hay Tây Ban Nha chắc chắn sẽ lớn gấp nhiều lần con số của Bồ Đào Nha, Cộng hòa Ireland và Hy Lạp (nước này vừa được nhận thêm 8 tỷ USD từ EFSF để tránh nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng 12).

Trước đó, lo ngại về việc đồng euro sụp đổ đã lên đến đỉnh điểm khi các nhà đầu tư từ chối mua một số loại trái phiếu Chính phủ châu Âu. Italy đã phải trả mức lãi suất 7,6-7,9% một năm thay vì mức 4,9-6,1% cách đây một tháng để huy động hơn 7,5 tỷ USD.

Trong ngày 28/11, Tổng thống Mỹ Barrack Obama cũng đã lên tiếng kêu gọi giới chức châu Âu cần có hành động quyết liệt hơn để củng cố niêm tin vào kinh tế khu vực. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski cũng thúc giục Đức, với tư cách nền kinh tế lớn nhất khu vực cần tích cực hơn nữa trong vai trò đầu tàu. Berlin sau đó cũng đã có động thái đáp trả tích cực khi cùng với Pháp cân nhắc khả năng nới rộng giới hạn cho vay. Tuy nhiên, câu trả lời chính thức cho tương lai của eurozone chỉ có thể được tìm thấy tại cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo 17 nền kinh tế vào ngày 9/12 tới.