Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo về việc Nga có liên quan đến các cuộc tấn công mạng trong cuộc bầu cử Tổng thống, theo ông Reince Pribus - Chánh văn phòng tương lai của ông Trump.
Tuy nhiên, ông Priebus không nói rõ liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có đồng tình với việc Tổng thống Nga Putin có liên quan đến chiến dịch này hay không.
Đây là lần đầu tiên một thành viên cấp cao thuộc nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump tuyên bố, Tổng thống đắc cử thừa nhận việc Nga tiết lộ các email của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Điều này cho thấy, áp lực gia tăng từ các thành viên đảng Cộng hòa đã buộc ông Trump chấp nhận cáo buộc của cộng đồng tình báo khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là tới lễ nhậm chức (20/1).
Thực tế, thông tin của tình báo Mỹ, mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể, đã tung ra một lớp “bụi mờ” đầy nghi hoặc. Điểm chung là các nghi ngờ này đều nhắm đến điện Kremlin. Vừa qua, giới chức quân sự Pháp đã cho biết sẽ tăng cường nguồn lực để đối phó với các cuộc tấn công mạng vào cuộc bầu cử ở nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean - Yves Le Drian cho biết, cơ quan chức năng Pháp đã xem xét đến khả năng cuộc bầu cử của nước này sẽ bị tấn công, nhằm tìm cách đối phó.
Trước đó, hồi tháng 4/2015, đài truyền hình TV5Monde của Pháp từng bị tin tặc làm mất sóng và nguồn tin tư pháp nước này sau đó nói rằng tin tặc Nga có thể đứng sau cuộc tấn công đó. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cũng nhấn mạnh, số cuộc tấn công mạng đối với Bộ Quốc phòng đã tăng gấp đôi mỗi năm và trong năm 2016, bộ này đã chặn khoảng 24.000 vụ tấn công từ nước ngoài, trong đó nhắm vào hệ thống máy bay tự lái quân sự.
Các lo ngại này dường như sẽ càng trở nên cấp bách đối với cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới, nhất là khi ứng viên Marine Le Pen của đảng Mặt trận Quốc gia - người có tư tưởng cải thiện quan hệ Paris - Moscow đang trở thành ứng viên sáng giá. Còn tại Đức, mối lo cũng bắt đầu nhen nhóm khi lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu và cũng là người “đối đầu” lâu đời với chính quyền ông Putin, bà Angela Merkel sẽ tham gia tái tranh cử vào tháng 9 tới.
Lực lượng nào đứng sau các cuộc tấn công này vẫn chưa được sáng tỏ. Thực tế, ông Trump đã được Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Vì vậy, việc giới chức tình báo vẫn giữ cáo buộc Nga tác động đến kết quả bầu cử dường như vô cùng mâu thuẫn. Phải chăng, như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng lên tiếng, các cáo buộc này thực chất là sản phẩm của "truyền thông phương Tây" và "tiếng nói của nhiều nhóm quyền lực khác nhau"?