Hiện nay, nhiều trường THPT đã và đang bắt đầu lên kế hoạch cho chiến dịch “chạy đua” nước rút với kỳ thi này.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, tháng 3/2015, HS mới bắt đầu đăng ký môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Nhưng tại thời điểm này, nhiều trường THPT tư thục đã tổ chức phân lớp, ôn luyện kiến thức các môn thi tốt nghiệp cũng như để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ theo nhu cầu của HS và phụ huynh.
Chia lớp theo môn
Trong khi nhiều trường THPT công lập hay dân lập có thương hiệu vẫn tổ chức dạy học bình thường theo chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT, thì các trường tư thục rốt ráo tìm biện pháp tăng cường dạy và ôn luyện cho HS lớp 12, phục vụ kỳ thi THPT quốc gia. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng không giấu: "HS trường chúng tôi có học lực trung bình và yếu là chính, thành ra số em có mong muốn thi ĐH không nhiều như các trường khác. Tuy vậy, từ tháng 10, nhà trường vẫn thực hiện yêu cầu của Bộ GD&ĐT là dạy đều các môn trong các giờ học chính khóa buổi sáng, đồng thời lên kế hoạch ôn tập các môn thi tốt nghiệp và các môn xét tuyển vào ĐH".
Để chuẩn bị cho HS lớp 12 đủ tự tin về kiến thức, ngay sau khi Bộ GD&ĐT thông báo kỳ thi THPT quốc gia cũng như các môn thi tốt nghiệp, trường THPT Anhxtanh đã làm ngay bảng so sánh, phân tích tỉ mỉ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT cũ và mới có sự thay đổi như thế nào và tổ chức cuộc họp để giải thích đến từng HS và phụ huynh. Ông Đào Tuấn Đạt - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trên cơ sở khảo sát các em đăng ký môn học tự chọn dùng cho thi tốt nghiệp và môn để xét tuyển vào ĐH, nhà trường tổ chức dạy theo yêu cầu. Chẳng hạn, những em chọn môn Ngữ văn để thi tốt nghiệp, sẽ được dạy theo chương trình chính khóa; còn vừa để thi tốt nghiệp, vừa thi ĐH thì được dạy nâng cao. Các môn học nâng cao được bố trí ngoài giờ, tuần học 2 buổi/1 môn trong thời gian 90 phút.
Tuy có số lượng HS lớp 12 không nhiều như các trường công lập nhưng rất nhiều trường tư thục đã có sự chủ động cho HS ôn tập có hiệu quả nhất. Ngay tại thời điểm này, nhiều trường đã phát cho HS lớp 12 phiếu đăng ký lựa chọn môn học để thi tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH để từ đó có điều chỉnh, tăng cường tổ chức ôn tập vào thời gian ngoài giờ học chính khóa.
Chật vật bố trí lớp
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 là kỳ thi đầu tiên có hai mục đích: lấy điểm xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Nguyện vọng ôn thi của HS lại rất khác nhau, nên yêu cầu giáo viên giảng dạy từng môn học phải rà soát chương trình để xem kiến thức nào cần học tăng cường, nội dung nào nên lược bớt. Trong khi những trường THPT học một buổi/ngày, việc tổ chức ôn tập ngoài giờ chính khóa được tổ chức dễ dàng, thì những trường dạy học hai buổi vô cùng chật vật. Ông Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT Wellspring chia sẻ: Trường có 2 lớp 12, trong mỗi lớp lại có những em đăng ký các môn tự chọn để thi tốt nghiệp nên chúng tôi lên lịch học ôn rất phức tạp. Phải tổ chức làm sao cho các em tham gia lớp ôn tập, nhưng vẫn học được môn học khác trong giờ chính khóa. Việc bố trí giáo viên đứng lớp thế nào để không bị vướng cũng là trở ngại.
Với việc giáo viên THPT vừa phải tổ chức ôn tập để HS thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH là thách thức lớn. Muốn đạt điểm cao phải là cả quá trình, phụ thuộc vào năng lực của từng HS, bởi thế, các trường THPT vẫn phải đảm bảo dạy theo chuẩn kiến thức của Bộ GD&ĐT để các em thi tốt nghiệp đạt kết quả. Còn thi ĐH phụ thuộc vào sự chuẩn bị của các em từ trước đó. Với kinh nghiệm mấy chục năm làm công tác quản lý và giảng dạy ở trường THPT, ông Đặng Đình Đại khuyên HS cần tự xác định năng lực của mình để đặt mục tiêu chọn trường ĐH và ngành cho phù hợp. Không nên lựa chọn cao quá sẽ vất vả và khó đạt được kết quả như mong muốn.
Học sinh trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa. Ảnh: Quỳnh Anh
|
(còn nữa)