Theo Bộ Công Thương, nhiều thương nhân đang tiếp tục đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Điều này có thể dẫn tới một cuộc “chạy đua” đầu tư gây lãng phí cho đầu tư xã hội.
Khắc phục bất cập
Trước đây, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế đều được xuất khẩu gạo, không quy định điều kiện kinh doanh đối với xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, cơ chế này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập như không xác định rõ trách nhiệm của thương nhân với các nhiệm vụ chính trị và kinh tế của đất nước, với người nông dân sản xuất lúa gạo, với việc bình ổn giá thu mua lúa cho người nông dân và giá bán gạo cho người tiêu dùng trong nước,...
Nhiều doanh nghiệp không có kho tàng, không có cơ sở chế biến, không chủ động thu mua, dự trữ, không kinh doanh chuyên sâu ngành lương thực, chỉ tham gia xuất khẩu khi thị trường thuận lợi. Kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ thực hiện được phần ngọn của quá trình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; khi doanh nghiệp ký được hợp đồng mới tổ chức thu mua, gây bất ổn thị trường…
Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm thiết lập hành lang pháp lý khắc phục các bất cập, hạn chế trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Đánh giá sau gần 4 năm triển khai, Bộ Công Thương cho rằng, việc quy định các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã phát huy tác dụng tích cực như đã sàng lọc được những thương nhân có năng lực, có định hướng đầu tư lâu dài phục vụ lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo... Mặt khác, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cũng góp phần tích cực tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người nông dân, góp phần bảo đảm ổn định thị trường lúa gạo trong nước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, có một số vấn đề cần được điều chỉnh trong quá trình thực hiện Nghị định này.
"Nhiều thương nhân tiếp tục đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có thể dẫn tới một cuộc “chạy đua” đầu tư gây lãng phí cho đầu tư xã hội, số lượng thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận ngày càng tăng”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, năng lực, hiệu quả hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của nhiều thương nhân còn hạn chế, năng lực thương mại yếu, không tiếp cận được thị trường. Việc xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người sản xuất còn bất cập.
Ngăn ngừa lãng phí
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chủ trì, xây dựng, ban hành Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, xác định cụ thể các tiêu chí, điều kiện để được cấp và duy trì giấy chứng nhận, đồng thời ban hành Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020.
“Các tiêu chí này nhằm hướng đầu tư hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng đầu tư, dàn trải, kém hiệu quả gây lãng phí cho đầu tư của doanh nghiệp và xã hội”, ông Hải khẳng định.
Nhìn vào thực tế hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo thời gian qua, có một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc sản, chất lượng cao nhưng số lượng xuất khẩu chưa nhiều. Việc đầu tư xây dựng ngay kho chứa, cơ sở xay xát ở quy mô lớn sẽ không hiệu quả và rủi ro.
Một vài doanh nghiệp tại một số địa phương không nằm trong vùng quy hoạch (như Nghệ An, Hà Nam, Ninh Bình) đã đầu tư, xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo và gửi hồ sơ đề nghị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Vị Thứ trưởng này cho rằng: “Đây là những vấn đề thực tiễn phát sinh mà dưới góc độ cơ chế, chính sách, Bộ Công Thương xin ghi nhận những ý kiến này và sẽ rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các cơ chế, quy định hiện hành để đề xuất những giải pháp xử lý, điều chỉnh phù hợp nhằm tạo thuận lợi, phát huy tối đa năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trong thời gian tới”.
“Chạy đua” xin giấy chứng nhận xuất khẩu gạo?
|