Hậu quả khôn lường
Theo UBND huyện Hoài Đức, nhà xưởng bị cháy rộng 170m2, mặt tiền khoảng 7m, được xây dựng bằng mái tôn tường gạch, có một gác xép khoảng 100m2. Cơ sở này do anh Nguyễn Văn Được (SN 1992, trú tại thôn Phù Long, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ) thuê đất để SX bánh kem và chocolate. Xưởng SX cũng là nơi ở của gia đình anh Được cùng một số công nhân. Vụ hỏa hoạn xảy ra vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 29/7, rồi cháy bùng phát rất mạnh với tốc độ cháy nhanh do chất cháy chủ yếu là đồ xốp và nylon. Tại thời điểm xảy ra cháy có 9 người chạy ra được bên ngoài, tuy nhiên do nhà xưởng này chỉ có một cửa nên một số người bị mắc kẹt ở bên trong không thoát ra được.
Hiện trường vụ cháy ngày 29/7 tại xưởng làm bánh ở thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Ảnh: Hùng Thập |
Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết, để dập tắt đám cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC TP đã huy động 7 xe chữa cháy cùng máy bơm nước và các thiết bị cứu nạn đến hiện trường. Đám cháy được dập tắt hoàn toàn sau 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, đã có 8 người tử vong, trong đó có 7 người chết tại chỗ và 1 người sau khi được giải cứu, đưa vào bệnh viện trong tình trạng bị bỏng nặng đã tử vong sau đó. Do xưởng sản xuất (SX) nơi xảy ra cháy chỉ có một lối thoát duy nhất, lại được làm bằng khung thép, mái tôn nên khi cháy sẽ sập rất nhanh. “Trong điều kiện bình thường, chỉ khoảng 15 phút xảy ra hỏa hoạn là khung nhà sập xuống do sức nóng của lửa. Đây là công trình dạng nhà ống mà chúng tôi đã khuyến cáo, tuyên truyền người dân rất nhiều về việc trong trường hợp cháy nổ thì ứng phó ra sao. Qua vụ việc này, chúng tôi cũng khuyến cáo các hộ vừa kinh doanh vừa sinh hoạt hoặc, vừa SX vừa sinh hoạt nên tổ chức có lối thoát nạn, trong mọi trường hợp đều phải có lối thoát. Không nên để nhiều đồ đạc, hàng hóa tại các nơi có thể thoát ra ngoài khi có sự cố” - Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường: “Thông tin ban đầu xác định nguyên nhân gây cháy là do xưởng đang sửa chữa, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp. Khi nhận được tin báo, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện, các phòng ban chuyên môn cùng UBND xã Đức Thượng phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC của TP áp dụng mọi biện pháp khoanh vùng không để lửa cháy lan, chữa cháy, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn...".
Cấp thiết nâng ý thức phòng cháy chữa cháy
Trao đổi về nguyên nhân một số vụ cháy như vụ cháy xưởng làm bánh ở xã Đức Thượng, TS Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng khoa Chữa cháy (Đại học PCCC) cho rằng: Trước đây, do bất cẩn trong quá trình hàn xì cũng là nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn đau lòng tại khu Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông) khiến 6 người thiệt mạng cuối tháng 11/2013. Khi các công nhân thi công hàn xì trong một quán bar đang sửa chữa thuộc khu vui chơi này, vảy hàn đã bắn vào các vật liệu dễ cháy như bông, đệm cách âm, khiến ngọn lửa bùng phát. Và tháng 11/2016, xảy ra vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm chết 13 người... Vụ việc xảy ra khi các công nhân đang thi công làm biển quảng cáo đã làm tàn lửa bắn rơi vào miếng xốp quảng cáo, cùng với dây điện chằng chịt, nhiều chất liệu, đồ vật tại cửa hàng karaoke dễ bắt lửa, làm lửa bùng cháy to. Ban công, cửa thoát hiểm bị bịt kín khiến cho công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Hàn xì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể gây cháy nổ nếu thực hành không đảm bảo đủ điều kiện an toàn. Khi hàn cắt kim loại, mối hàn sẽ đạt nhiệt độ trên 1.000oC và tạo ra xỉ hàn (tàn lửa) bắn ra xung quanh, khi tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như giấy, bông, xốp, xăng, dầu sẽ rất dễ bùng cháy gây hỏa hoạn. Trong quá trình thi công, dù hàn hay cắt sắt, thép thì đều sinh ra nhiệt độ rất cao và rất dễ cháy khi tiếp xúc với vật dễ cháy. Với cơ chế hàn sử dụng khí cháy là axetylen cùng khí đốt hóa lỏng được nạp sẵn trong các bình chứa cùng với bình chứa oxy. Hay khi hàn cắt kim loại, nhiệt độ tâm lửa đạt tới 3.000oC, nhiệt độ mối hàn khoảng 1.700oC đến 1.800oC. Quá trình hàn cắt sẽ làm phát sinh các hạt kim loại nóng chảy sẽ làm cho xỉ hàn bắn ra xung quanh cũng rất dễ gây cháy.
Nếu đám cháy nhỏ không được phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý ban đầu, nó sẽ cháy lớn hơn, vận tốc cháy lan tăng dần dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cần phải kiểm tra kỹ khu vực hàn trước khi hàn, do khi hàn xì bắn tung tóe, vật hàn nóng hoặc các thiết bị nóng có thể gây cháy. Điều quan trọng khi thi công là cần sử dụng các thợ hàn có trình độ cao, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kỹ thuật về PCCC. Để hạn chế tình trạng cháy nổ, bản thân các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh phải quán triệt các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo an toàn trong PCCC. Thợ hàn phải có tay nghề tốt, đồng thời đảm bảo cả vấn đề an toàn lao động, an toàn cháy nổ khi làm việc.
Đại tá Lê Chí Cao - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 3 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) khuyến cáo: “Vấn đề an toàn cháy nổ tại các nhà ống, nhà xưởng SX đang trở nên báo động hơn bao giờ hết. Nếu người dân, các tổ chức, cơ quan, DN không nhận thức được vấn đề an toàn về cháy nổ thì bản thân lực lượng cảnh sát PCCC không thể nào làm được. Với “bà hỏa”, chỉ là bất cẩn nhỏ nhất cũng sẽ để lại hậu quả khôn lường. Vì vậy, đòi hỏi tất cả mọi người dân chúng ta hãy thức tỉnh để cùng đẩy lùi "giặc lửa"”.