Bởi dù đã tuyên truyền bao nhiêu năm, đã hội thao vài chục năm, đã xử phạt nghiêm hàng trăm vụ, mà đâu vẫn hoàn đấy. Ý thức người dân chưa biến chuyển được bao nhiêu, các vụ cháy nổ vẫn xảy ra càng ngày càng nghiêm trọng, thậm chí có những vụ cháy trước đây chưa từng có.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nhưng cháy nổ vẫn là mối đe dọa thường trực. Ngoài những nguyên nhân cũ, TP ngày càng mở rộng, dân cư ngày càng đông, các căn hộ ngày càng lên cao, đường sá ngày càng ùn tắc… gây không ít khó khăn cho việc chữa cháy. Năm 2016, cả nước có hơn 3.000 vụ cháy nổ làm 98 người chết, 180 người bị thương, thiệt hại ước tính 1.240 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra gần 1.500 vụ cháy, làm chết hơn 100 người, chưa kể số người bị thương và thiệt hại về tài sản. Tại Hà Nội, 6 tháng năm 2017 có 447 vụ cháy nổ, trong đó nhiều vụ điển hình thiệt hại về người (8 người chết ở một xưởng bánh kẹo huyện Hoài Đức, 4 người chết tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm…). Các vụ cháy nổ phần nhiều xảy ra ở nhà dân, lối ra vào chật hẹp. Nhà bị cháy lại liền kề với các hộ kinh doanh, kho, xưởng chứa vật liệu dễ cháy như nilon, mút xốp, hóa chất, cao su... Kinh nghiệm các vụ cháy ở Hà Nội cho thấy thường vì 3 lý do: Dân cư ngày càng tập trung trong những chung cư cao tầng, thiết bị chữa cháy không đủ độ cao để với tới hộ bị cháy và những tai nạn phi truyền thống trong các vụ cháy có thể xảy ra. Trong một cuộc điều tra về PCCC, TP đã phạt 40.000 cơ sở tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, trong đó có 79 chung cư đang tồn tại nhưng không đủ điều kiện PCCC. Những chung cư này không có cảnh báo cháy, không có lối thoát; không bình chữa cháy, không vòi nước, không nước dự phòng. Vậy mà nhà đầu tư vẫn phớt lờ pháp luật và hợp đồng, cho dân vào ở. Còn người dân thì nôn nóng nhà mới mà bỏ qua những thiếu thốn thiết yếu. Lý do thứ hai xuất phát từ thực tế phần lớn các vụ cháy xảy ra về đêm do chập điện có phần lỗi của người dân.Lý do thứ 3 khiến nhiều vụ cháy làm nhiều người thiệt mạng là khi hỏa hoạn, không có lối thoát hiểm. Như một phong trào đã trở thành tập quán, đã có nhà là phải có chuồng cọp, vừa để chống kẻ gian, vừa để cơi nới và xác định chủ quyền. Tuy nhiên, ở trong chuồng cọp, nhất là nhà ống liền kề, thì cháy là không lối thoát, nếu lối ra duy nhất bị lửa chặn đường. Đã nhiều vụ chết vì lửa, vì ngạt khói như thế. Làm sao bây giờ khi Hà Nội có hàng vạn chuồng cọp? Phá đi hay là áp dụng sáng kiến mỗi chuồng cọp làm thêm một cửa người chui lọt? Sáng kiến này tuy không triệt để, nhưng có vẻ cũng khả thi. Vậy nhưng để người dân nghe theo, công tác vận động cũng còn gian nan lắm!