Có lẽ vì thế nên Trung thu không còn được trẻ háo hức chờ đợi. Tràn ngập hoạt động truyền thống Không hiểu vì lý do gì, sân khấu hài kịch của Xuân Bắc, Tự Long, Minh Vượng… - những danh hài thường "đắt sô" trong dịp Trung thu và Tết Thiếu nhi 1/6 hàng năm gần như vắng lặng dịp này. Các tuyến phố Hà Nội cũng giảm hẳn các băng rôn "Hài kịch 5 anh em siêu nhân", "7 viên Ngọc Rồng", "Kịch xiếc tổng hợp"… thường thấy. Thay vào đó là các hoạt động làm đèn ông sao, đèn kéo quân, tô vẽ mặt nạ, khám phá tranh Tết… mở ra từ khu trung tâm như 87 Mã Mây, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội… đến nhà văn hóa các huyện ngoại thành Ba Vì, Sóc Sơn…
Hoạt động tại Nhà Thái Học trong Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể xem là cuộc khai màn cho Tết Trung thu 2016. Hơn 1.000 trẻ nhỏ cặm cụi tô vẽ lên các bức hình thằng Bờm, chú Cuội, ông Địa, cho đến các nhân vật hoạt hình như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Minions… Bảo tàng Hà Nội thì năm thứ hai liên tiếp chung tay cùng các đơn vị văn hóa tổ chức vui Tết Trung thu cho thiếu nhi. 2 ngày 10 và 11/9 tới, nơi đây sẽ tràn ngập các hoạt động truyền thống như: Làm Tiến sĩ giấy, đầu sư tử, vẽ tranh sáng tạo, hướng dẫn trẻ làm bánh nướng, bánh dẻo, kết đèn, bày cỗ, rước đèn, phá cỗ Trung thu… Theo ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội: “Chúng tôi luôn chú trọng vào các hoạt động truyền thống để các cháu được trải nghiệm ý nghĩa của ngày lễ truyền thống. Chính vì vậy, ngoài lực lượng tình nguyện viên, năm nào, Bảo tàng cũng mời các nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống đến và hướng dẫn các bước làm đồ chơi Trung thu cho các cháu”. Bên cạnh Bảo tàng Hà Nội, ở một số địa điểm khác, các hình ảnh và nghệ thuật múa rối Tế Tiêu Mỹ Đức, Hà Nội cũng được chú trọng giới thiệu. Tránh áp đặt cách nhìn của người lớn Chị Thanh Tâm (quận Ba Đình) cho biết, dịp Trung thu này, 2 đứa con của chị (8 tuổi và 4 tuổi) sẽ tham dự khoảng 5 - 6 hoạt động vui Trung thu. "Ngày thứ Bảy, các con dự hội ở cơ quan mẹ, Chủ nhật đến cơ quan bố. Rồi từ đầu tuần sau rải đến thứ Năm, các con liên tục có các buổi vui Trung thu ở trường, tổ dân phố và ở gia đình. Đó là chưa kể vào 2 tối cuối tuần, chúng tôi còn đưa con đi chơi Trung thu trên phố cổ” - chị Tâm chia sẻ. Có thể thấy, Trung thu năm nay tổ chức tập trung từ mùng 10 - 15/8 âm lịch, cao điểm nhất là 2 ngày cuối tuần (mùng 10 và 11), có gia đình đưa con "chạy sô" ở các địa điểm khác nhau. Đành rằng việc có "chạy sô" hay không hay chọn sự kiện nào cho con là do người lớn, song điều phải nghĩ và bàn là không phải hoạt động Trung thu nào cũng mang đến sự hấp dẫn cho trẻ. Có nhiều nơi tổ chức mang tính hình thức, năm nào cũng chỉ mấy màn: Xiếc, hát hò và liên hoan với những thứ đồ ăn như bim bim, bánh gạo, kẹo mút… - những thứ đã thành thừa thãi đối với trẻ TP. Thế nên, bữa tiệc tinh thần ngày Trung thu với ý nghĩa một lễ hội trong năm dành cho trẻ nhỏ đã không còn được trẻ háo hức chờ đợi như xưa. Nói như ông Đà: “Đừng lấy cái nhìn của người lớn để áp đặt tổ chức Trung thu cho trẻ em. Có thể đối với chúng ta, làm chiếc đèn ông sao, nghe một nhà văn, nhà thơ nói chuyện về Trung thu không có gì hấp dẫn, nhưng với trẻ lại khác. Trung Thu vui nhất với độ tuổi nhi đồng là màn rước đèn, múa lân, múa sư tử..., đừng nên đưa lạc các bé theo hướng khác”. Đối với trẻ TP, Trung thu khó để lại những kỷ niệm trong ký ức như những thế hệ trước. Một phần do không gian khiêm tốn nơi đô thị, phần do công nghệ lấn át những hình thức vui chơi của trẻ, kể cả đồ chơi Trung thu. Cũng may là các hoạt động vui Trung thu tại các địa điểm sinh hoạt văn hóa của Hà Nội đang ngày càng thiên về các hoạt động truyền thống. Ấy là hướng đi đúng và ý nghĩa, song chỉ mong sao người lớn tìm thấy những hình thức tổ chức mới lạ để trẻ không "bội thực" vì những Tết Trung thu na ná nhau.
Các em nhỏ tham gia vẽ tranh trong dịp Trung thu 2015 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Chiến Công |