Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chạy sô” học để vào trường công

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn một tuần nữa (18/6), học sinh (HS) tốt nghiệp lớp 9 sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Dù đã sát ngày thi, nhưng hiện HS vẫn đang phải "chạy sô" học ngày học đêm để mong giành được một suất học ở trường công.

“Chạy sô” học để vào trường công - Ảnh 1

Học sinh nên dành nhiều thời gian để tự ôn bài thay vì “chạy sô” các lò luyện thi.Ảnh: Duy Anh
Tất tả học thêm

Chiều ngày 8/6, chị Thanh Hương (ở Định Công, quận Hoàng Mai) chở con gái vừa tốt nghiệp lớp 9 tại trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) đến điểm học ôn môn Văn ở quận Cầu Giấy. Chị Hương cho biết: "3 giờ 30 cháu học xong ở đây, đến 5 giờ lại học thêm môn Toán ở gần trường. Mệt mỏi vô cùng, nhưng cũng phải cố, và luôn phải động viên con học, cố gắng thi được vào một trường công lập. Vừa đỡ tốn kém tiền bạc, mà môi trường học cũng yên tâm hơn". Bên cạnh "khung giờ" học thêm như con chị Hương, nhiều HS lại học ca 1 lúc 5 giờ chiều, và tiếp tục học ca 2 bắt đầu từ 7giờ 30 đến 9 giờ tối. Một HS trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) cho hay, em luyện 2 môn Toán, Văn, học từ 6 giờ đến gần 10 giờ đêm mới về nhà, sau đó lại học ôn đến 1 - 2 giờ sáng...

Trong thời gian đứng chờ con, chị Phương Linh (quận Đống Đa) kể, con chị đăng ký thi vào trường THPT Quang Trung và nguyện vọng 2 vào trường THPT Trần Hưng Đạo. "Trung bình một ngày con mình chạy sô 3 nơi. Sáng ôn theo kế hoạch ở trường, chiều học Văn tại nhà giáo viên, tối luyện thi Toán tại trung tâm. Tối ăn xong lại học đến khuya vẫn làm không làm hết bài tập vì học nơi nào thầy cô cũng giao rất nhiều bài. Nếu không đỗ được vào công lập mà học tư thục, trường tốt thì phí cao, trường thường thường sợ con đua đòi bạn bè, lêu lổng không học hành gì. Con thi mà bố mẹ lo phát sốt." - chị Linh tâm sự.

Coi chừng tác dụng ngược

Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội giảm hơn 1.400 HS so với năm học 2012. Chính vì thế, để có được một suất học lớp 10 như mong muốn, HS đang "chạy" hết công suất để ôn luyện. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thu Thủy, giáo viên dạy Văn trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) cho rằng, chỉ còn một tuần nữa để bước vào cuộc thi chuyển cấp, tập trung cho việc học lúc này là rất cần thiết, nhưng nhiều HS ôn thi một cách ôm đồm, nhồi nhét có thể gây tác dụng ngược. "Có nhiều em đăng ký ôn rất nhiều nơi, vừa mất nhiều thời gian đi lại, vừa ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức, không có thời gian để tự học, xem lại kiến thức. HS nên chọn nơi ôn thi phù hợp và quan trọng nhất là phải dành thời gian để xem lại bài bằng chính tư duy của mình. Các năm trước, đã có những trường hợp HS ôn rất nhiều nơi, học được với nhiều thầy giỏi nhưng kết quả thi không cao" - cô Thủy cho hay.

Và như phân tích của ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội: "Nếu nhìn vào số lượng chỉ tiêu Hà Nội giao cho các lớp 10 THPT công lập thì năm nay ít hơn so với năm học trước khoảng 1.400 chỉ tiêu. Tuy nhiên, phụ huynh, HS không nên quá lo lắng, bởi cơ hội vào học tại các trường công lại lớn hơn, do thực tế số HS lớp 9 dự thi tuyển sinh lớp 10 năm nay giảm so với năm trước tới 5.000 em, do vậy cơ hội các em được học trường công lập cũng lớn hơn". Cũng theo ông Hoan, ngoài các trường công lập còn có khối dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề… Hiện tại, hệ thống hơn 100 trường ngoài công lập của Hà Nội có thể đáp ứng nhiều, đủ chỗ học với chất lượng đào tạo khá tốt.