Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), dữ liệu phân tích của ông Andrey Teterkin - Giám đốc điều hành Công ty Thủy sản Nga (RFC) cho thấy, tỷ lệ gia công cá minh thái (cá pollock) của các doanh nghiệp Việt ngày càng tăng mạnh. Mới đây, những thương hiệu lớn của Mỹ và Anh đã tìm kiếm các đối tác chế biến tại Việt Nam do không yên tâm về chế biến tại Trung Quốc.
Với những thay đổi về luật theo hướng có lợi cho Việt Nam tại Nga, đến năm 2018, doanh nghiệp trong nước dự kiến chế biến khoảng 60.000 tấn cá minh thái đã bỏ đầu và ruột, tăng 6 lần so năm 2015 là 10.000 tấn. Như vậy, năm 2016 sản lượng này sẽ phải đạt 25.000 tấn, và tăng lên 40.000 tấn vào năm tiếp theo, trong đó, RFC là nhà máy liên doanh với Công ty cổ phần Hùng Vương và Công ty cá tra Việt sẽ là đơn vị chế biến chính.
Trao đổi với báo giới, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep cho biết, sở dĩ sản lượng chế biến cá minh thái ở Việt Nam tăng do chi phí nhân công rẻ, nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản đáp ứng được yêu cầu của đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, ông Hòe khuyên các doanh nghiệp Việt nên chú trọng nhiều hơn tới những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm có sẵn nguyên liệu.
Cá minh thái hay còn gọi là cá pollock, sống ở biển, có giá trị thương phẩm lớn, trong đó, minh thái Alaska ở Mỹ giá trị cao nhất. Đây là nhóm cá được xếp vào nhóm cá thịt trắng, được tiêu thụ rộng rãi trên thế giới.
Họ cá này phân bố ở Bắc Băng Dương, bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, trong các vùng nước ven Bắc cực và ôn đới. Họ cá này đứng thứ hai sau họ cá trích (Clupeidae) về sản lượng cá biển được đánh bắt trên toàn thế giới. Cá minh thái Alaska là đối thủ cạnh tranh chính của cá tra và được ưa thích hơn do khai thác tự nhiên. Có thời điểm, sản phẩm này rẻ tương đương thậm chí rẻ hơn cá tra nuôi.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
|