Theo đó, Thông tư quy định, Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm quản lý, sử dụng, theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh, quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân đối với từng trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn.
Công ty chứng khoán phải quản lý vốn, tài sản của Công ty chứng khoán tách biệt với vốn, tài sản của khách hàng; không được chiếm dụng vốn, tài sản của khách hàng dưới mọi hình thức; Tuân thủ các hạn chế về vay nợ, cho vay, đầu tư theo quy định pháp luật về thành lập, tổ chức và hoạt động Công ty chứng khoán. Công ty quản lý quỹ phải đảm bảo việc quản lý độc lập và tách biệt tài sản của từng quỹ, từng Công ty đầu tư chứng khoán, vốn và tài sản của khách hàng ủy thác và tài sản của chính Công ty quản lý quỹ; Vốn kinh doanh dành cho hoạt động đầu tư tài chính của Công ty quản lý quỹ phải từ nguồn vốn chủ sở hữu, nghiêm cấm việc Công ty quản lý quỹ sử dụng vốn huy động để đầu tư tài chính; Tuân thủ quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của Công ty quản lý quỹ, hạn chế đối với hoạt động của Công ty quản lý quỹ theo quy định pháp luật về thành lập, tổ chức và hoạt động Công ty quản lý quỹ. Thông tư cũng quy định về điều kiện để trích lập dự phòng, cụ thể: Các loại chứng khoán được Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ ghi nhận theo giá gốc theo quy định của pháp luật về kế toán. Các loại chứng khoán được tự do mua, bán trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính có giá thực tế trên thị trường giảm so với giá hạch toán trên sổ sách kế toán. Chứng khoán bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và cổ phiếu quỹ không được trích lập dự phòng giảm giá. Về dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính dài hạn, Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ thực hiện trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính dài hạn theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp; Thời điểm trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính dài hạn là cuối kỳ kế toán khi lập báo cáo tài chính năm. Về phân phối lợi nhuận, Thông tư quy định, lợi nhuận thực hiện của Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được phân phối như sau: Trích 5% vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; khi số dư bằng 10% vốn điều lệ thì không trích nữa. Trích 5% vào quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ; khi số dư quỹ bằng 10% vốn điều lệ thì không trích nữa. Việc phân chia lợi nhuận còn lại do Đại hội cổ đông/Hội đồng thành viên/Chủ sở hữu Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ quyết định. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 11 năm 2014 và được áp dụng kể từ năm tài chính 2014 và thay thế Thông tư số 11/2000/TT-BTC ngày 1/2/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Công ty chứng khoán cổ phần và trách nhiệm hữu hạn.
Ảnh minh họa. |