Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chen nhau mua sắm trong ngày Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không chỉ ở siêu thị, mà tại các chợ lớn ở Hà Nội như chợ Mơ, chợ Ngã Tư Sở, chợ Hôm, chợ Nghĩa Tân,… luôn trong tình trạng quá tải vì tập trung người quá đông.

KTĐT - Không chỉ ở siêu thị, mà tại các chợ lớn ở Hà Nội như chợ Mơ, chợ Ngã Tư Sở, chợ Hôm, chợ Nghĩa Tân,… luôn trong tình trạng quá tải vì tập trung người quá đông.

Còn 1 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, đây cũng là dịp nhiều người lao động mới bắt đầu được nghỉ lễ, vì vậy không khí mua sắm tại các chợ và siêu thị trở nên hết sức sôi động.

Chen nhau như thời bao cấp

Mặc dù đã mở cửa sớm hơn thường lệ, nhưng tại các siêu thị lớn như BigC, Metro, Fivimart,… tình trạng chen lấn, xô đẩy để mua hàng, thanh toán thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, do đây là dịp người lao động được nghỉ làm nên lượng người tập trung quá lớn khiến cho nhiều siêu thị lâm vào cảnh ách tắc, ùn ứ trong một thời gian dài.

Tuy đã dự đoán trước được lượng khách sẽ tăng vọt trong những ngày giáp Tết nhưng các siêu thị gần như bất lực trong việc tạo ra một không gian mua sắm an toàn, dễ chịu cho khách hàng.

Chị Lanh, một khách hàng cho biết, chị đã đến siêu thị từ rất sớm nhưng vì đông người quá nên hết gần 5 tiếng đồng hồ nhưng chị vẫn chưa chọn được những đồ dùng cần mua cho gia đình.

“Tôi không ngờ thời nay mất tiền đi siêu thị mà cũng phải xếp hàng, bon chen như thời bao cấp vậy. Mua hàng cũng phải đi theo hàng theo lối, đến ngã tư thì phải mất 5 phút chờ vì tắc đường. Chọn đồ thì phải nhanh chóng nếu không sẽ bị người đi sau giục hoặc xô đẩy. Chọn hàng xong lại phải mất cả gần tiếng đồng hồ chờ thanh toán. Biết đông thế này thì tôi tranh thủ đi từ mấy hôm trước”, chị Lanh chia sẻ.

Cùng tâm trạng với chị Lanh, một khách hàng khác bức xúc: “Tôi chọn mãi mới xong đồ, đến lúc thanh toán mới biết mình bị mất ví tiền. Mặc dù siêu thị đã liên tục đọc loa để thông báo cảnh giác nhưng đông thế này ai mà biết được nó móc lúc nào”.

Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc BigC, mặc dù đã tính được lượng người mua sắm nhưng siêu thị cũng chỉ có thể đáp ứng bằng cách tăng số lượng hàng hóa phục vụ, tăng số quầy thu tiền, mở rộng diện tích gửi xe và thường xuyên nhắc nhở khách hàng cảnh giác. Còn vì diện tích mặt bằng siêu thị hạn chế, người dân lại tập trung đi đông vào một vài ngày nên mới xảy ra tình trạng quá tải.

“Hàng hóa phục vụ Tết cổ truyền, siêu thị đã bày bán cách đây 2 tháng rồi, vì vậy khách hàng nên đến mua từ sớm để tránh phải chen lấn vào những ngày giáp Tết này”, ông Dũng cho biết.

Không chỉ ở siêu thị, mà tại các chợ lớn ở Hà Nội như chợ Mơ, chợ Ngã Tư Sở, chợ Hôm, chợ Nghĩa Tân,… luôn trong tình trạng quá tải vì tập trung người quá đông.

Theo anh Long, nhân viên trông xe tại chợ Nghĩa Tân, ngay từ sáng sớm, bãi đỗ xe do anh quản lý đã chật kín xe, mặc dù giá xe máy được tăng lên 10.000 đồng/xe, xe đạp là 5.000 đồng/xe nhưng hàng trăm khách hàng vẫn không có chỗ để gửi.

Tại các tuyến đường ở khu phố Cổ Hà Nội luôn xảy ra tình trạng tắc đường. Nhiều người dân muốn đi vào khu vực chợ Đồng Xuân phải gửi xe cách đó gần 1km.

Kẹo, mứt hàng chợ vắng khách

Khác với mọi năm, năm nay xu hướng tiêu dùng của người dân đã có nhiều thay đổi. Trong khi tại các siêu thị các gian hàng thực phẩm là nơi thu hút đông khách hàng nhất, thì tại các chợ, những quầy bán bánh kẹo, mứt Tết lại khá vắng khách.

Một chủ cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Đường cho biết: “Năm nay, do xảy ra nhiều vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhiều người ngại dùng các loại bánh kẹo tại các quầy hàng nhỏ vì lo chất lượng sản phẩm cũng như nguồn gốc xuất xứ. Hàng hóa của chúng tôi chủ yếu bán cho các tiểu thương ở các tỉnh lẻ, họ đã lấy hàng từ trước Tết một tuần rồi nên bây giờ vắng khách lắm”.

Không chỉ các loại bánh kẹo, năm nay tại phố Hàng Đào, tình trạng tắc đường cũng ít xảy ra hơn. Theo các chủ hàng ở đây thì do thời tiết năm nay nóng, các loại quần áo được bày bán lại chủ yếu là hàng mùa đông nên nhu cầu mua sắm quần áo Tết tại đây cũng giảm hẳn.

Trong khi đó, thị trường vàng mã và các loại hoa quả, đặc biệt là quả Phật thủ lại luôn đông đúc người mua.

Giá bán các loại vàng mã thông thường như: tiền, vàng, sớ, vải, quần áo, giầy, dép, mũ, nón… từ 5.000 - 50.000 đồng, giá  mã nhà từ 100.000 - 200.000 đồng, xe máy (gồm cả xe số, xe ga) giá trung bình từ 80.000 - 150.000 đồng trở lên, ô tô được bán với giá từ 150.000 đồng trở lên, năm nay ít có những loại mã tiền triệu.

Chị Lương (một người bán hàng trên phố Hàng Mã) cũng cho biết, các mặt hàng bán chạy chủ yếu là những loại thông thường, không có nhiều người mua các loại mã đắt tiền như mọi năm.

Giá tăng do tâm lý tích trữ của người dân

Khảo sát thị trường cho thấy, nhiều loại thực phẩm đã tăng giá từ 5 - 20%. Cụ thể: mức tăng của thịt lợn, thịt gà, thịt bò dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, tôm, cá và đồ biển cũng nhúc nhích thêm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, các loại đồ khô như: măng khô tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, mộc nhĩ và nấm hương tăng thêm 2.000 đồng/lạng; đồ hộp có mức giá tăng khoảng 1.000 - 5.000 đồng/hộp, gói.

Tại các khu chợ dân sinh, lượng tiêu thụ hàng hoá, thực phẩm cũng tăng đột biến. Chị Nguyễn Thu Lan (ngõ Trại Cá, Trương Định, Hoàng Mai) cho hay: chị không chỉ mua thức ăn cho một ngày mà còn dự trữ sẵn cho khoảng 3, 4 ngày Tết.

Đó cũng là tâm lý chung của nhiều bà nội trợ. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, nhiều tiểu thương đã cố tình đẩy giá thực phẩm lên cao.

Khảo sát tại chợ Đồng Tâm, hiện tại, rau muống có giá 7.000 – 8.000 đồng/mớ, súp lơ xanh 8.000 – 10.000 đồng/cây, bắp cải 5.000 – 7.000 đồng/kg. Và nhiều loại rau, củ, quả khác… hầu hết đều tăng từ 3.000 – 5.000 đồng.

Trước đó, do thời tiết nắng nóng liên tục nên các loại thuỷ, hải sản cũng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều. Giá cả vì thế được đà tăng.

Rô phi to tăng từ 25.000 – 30.000 đồng/kg lên 50.000 – 60.000 đồng/kg, cá trắm to từ 35.000 – 40.000 đồng/kg lên 60.000 – 80.000 đồng/cân. Riêng tôm sú là mặt hàng tăng mạnh nhất, gần 100.000 đồng/kg, khoảng  230.000 – 250.000 đồng/kg…

Nhìn giá thực phẩm tăng cao, chị Trần Lan Anh (Bạch Mai) chỉ biết thở dài: Biết là bị ép giá nhưng vẫn phải mua vì mấy ngày đầu năm mới còn bận đi chúc Tết họ hàng, không có thời gian đi chợ.

Không chỉ có thực phẩm, so với năm ngoái, giá cả các mặt hàng trang trí ngày tết đều tăng từ 15 - 20% như tranh dán tường 10.000 - 25.000 đồng/cái, nén vàng ròng kết dây khoảng 10 thỏi có giá 50.000 - 80.000 đồng/dây tùy kích cỡ, cành vàng 25.000 - 30.000 đồng/cành.

Đặc biệt, phong bao lì xì có nét mới lạ là in thêm tên người chúc và lời chúc lên mặt bao. Giá mỗi bao lì xì loại này khoảng 4.000 đồng/cái. Các loại bao truyền thống giá dao động 5.000 - 15.000 đồng/chục.

Chợ hoa xuân kém vui

Chợ hoa xuân trên phố Hàng Lược, Quảng Bá, chợ cây cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám cũng tấp nập đón khách.

Bác Lương Văn Hầu (Gia Lâm) vui vẻ: Tết nhất đến nơi rồi, mua cành đào về cho có không khí Tết. Nói rồi bác rút 150.000 đồng trả tiền cho cành đào bác vừa chọn.

Tuy nhiên, thị trường hoa năm nay vẫn kém vui do hầu hết khách hàng chỉ vào ngắm hoa, tham khảo giá chứ không có ý định mua.

Chị Mùi (Nhật Tân, Tây Hồ) buồn rầu nói: “Đến thời điểm này, giá quất nhà chị đã giảm gần 30%, thậm chí có cây giảm gần 50% nhưng vẫn không có ai mua”. Còn 2 ngày nữa, có lẽ chị phải tính “bán thốc bán tháo” để cho hết hàng.

Khi những giờ phút đêm giao thừa đang đến gần cũng là lúc mọi người tất bật hoàn thành nốt những công việc cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới đầy ấm no, hạnh phúc.