Theo dự thảo, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về làm thêm giờ. Người sử dụng lao động chỉ được bố trí người lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý của người lao động.
Về nghỉ bù sau đợt làm thêm nhiều ngày, trường hợp người lao động có ngày nghỉ hằng tuần cố định, sau mỗi đợt làm thêm 07 ngày liên tục, người lao động phải được bố trí nghỉ vào ngày tiếp theo đợt làm thêm để bù cho ngày nghỉ hằng tuần đã không được nghỉ. Người sử dụng lao động phải trả lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định Điều 97 Bộ luật lao động cho thời gian làm thêm, không phải trả lương ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần.
Trường hợp do chu kỳ lao động, người lao động không thể nghỉ hằng tuần cố định thì việc bố trí nghỉ bù sau đợt làm thêm nhiều ngày như sau: Nếu đợt làm thêm 7 ngày liên tục trùng với ngày nghỉ trong tháng thì phải bố trí cho người lao động nghỉ bù như quy định trên; Nếu đợt làm thêm 7 ngày liên tục không trùng ngày nghỉ trong tháng thì người sử dụng lao động vẫn phải cho nghỉ vào ngày tiếp theo đợt làm thêm. Người sử dụng lao động phải trả lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định Điều 97 Bộ luật lao động cho thời gian làm thêm, không phải trả lương ngày nghỉ bù.
Việc hoán đổi ngày nghỉ bù này với ngày nghỉ hàng tuần đã bố trí do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận hoán đổi, thì người sử dụng lao động vẫn phải bố trí nghỉ đủ 4 ngày nghỉ hằng tuần trong tháng theo kế hoạch đã xây dựng, ngoài ngày nghỉ bù.
Riêng đối với công việc có tính chất đặc biệt theo quy định tại Điều 117 Bộ luật lao động thì thực hiện theo hướng dẫn của văn bản quy phạm pháp luật đặc thù.
Làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm
Dự thảo quy định, các trường hợp khác được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm để giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP là các trường hợp sau: a) Giải quyết công việc gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, phụ thuộc vào thời điểm các chủ hàng yêu cầu, bao gồm công việc sản xuất, lắp ráp linh kiện điện, điện tử; b) Giải quyết công việc có tính chất thời vụ; c) Giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước được như hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn; thiếu nguồn cung lao động; thiếu điện; nguyên liệu đầu vào không được cung cấp kịp thời theo kế hoạch.
Khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, người sử dụng lao động phải bảo đảm các nguyên tắc sau: Thực hiện việc thỏa thuận làm thêm giờ theo quy định; Thông báo bằng văn bản về Sở lao động - Thương binh và Xã hội về việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm theo mẫu chậm nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện.
Ngoài ra, người lao động được trả lương những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo Khoản 1 Điều 114 Bộ luật lao động trong các trường hợp sau đây: Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật lao động; chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Ảnh minh họa.
|