Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chi cho bộ máy Nhà nước đến 67,7% tổng chi NSNN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo Ủy ban Tài chính Ngân sách, năm 2015, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả và là gánh nặng của chi Ngân sách Nhà nước với tỷ lệ chi thường xuyên là 67,7% trong tổng chi NSNN năm 2015.

Nội dung báo cáo Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề cập đến chất lượng và hiệu quả một số dự án, chương trình mục tiêu quốc gia chưa cao, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Ngân sách.
Chi cho bộ máy Nhà nước đến 67,7% tổng chi NSNN - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Theo báo cáo Ủy ban Tài chính Ngân sách, năm 2015, công tác quản lý, sử dụng vốn, kinh phí và tài sản nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực; song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả và là gánh nặng của chi Ngân sách Nhà nước với tỷ lệ chi thường xuyên là 67,7% trong tổng chi NSNN năm 2015.

Tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư XDCB từ NSNN xảy ra trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thất thoát, lãng phí NSNN và chậm được giải quyết.

Đầu tư còn dàn trải, việc phê duyệt dự án chưa thực sự đúng với yêu cầu của thực tế, gây thất thoát tiền vốn đầu tư, dự án hoạt động không hiệu quả. 

Trong đó, 5 dự án đang được dư luận quan tâm đặt dấu hỏi lớn về thất thoát lãng phí Ngân sách, đó là: Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 với mức đầu tư lên đến trên 8.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện; nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy xăng ethanol ở một tỉnh miền Bắc; ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng không có sinh viên sử dụng; Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp.

Đặc biệt, dự án được cử tri quan tâm nhiều nhất đó là, đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông thi công chậm chạp so với mục tiêu ban đầu, kinh phí xây dựng đội lên cao so với dự toán, gây lãng phí vốn, mất an toàn lao động trong thi công.

Như vậy, việc tinh giản biên chế chưa hiệu quả; công tác quản lý tiền vốn đầu tư còn nhiều hạn chế từ khâu xét duyệt dự án, đến triển khai giám sát thi công không chặt chẽ đã gây thất thoát, lãng phí lớn, đè nặng lên Ngân sách Nhà nước.