Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ hơn 3% người dân ở Hà Nội có thu nhập cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả nghiên cứu chỉ số niềm tin tiêu dùng của Bộ KHĐT cho biết, chỉ có hơn 3% người dân ở Hà Nội có thu nhập cao, song, những thị trường đắt đỏ, sang, xịn như bất động sản, xe máy lại luôn thu hút sự chú ý hàng đầu.

Bộ chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) năm 2013 do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội, Bộ KHĐT  thực hiện điều tra 1.500 người dân tại 7 quận, huyện của Hà Nội. Đây là thước đo cho các vấn đề quan trọng gồm: thu nhập, việc làm, chi tiêu và mức sống.

Kết quả nghiên cứu công bố hôm 16/1 cho biết, đa số, người dân Hà Nội có thu nhập và mức sống trung bình.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, có 6,9% người dân khẳng định thu nhập gia đình mình ở mức thu nhập cao, 34% người dân cho biết có thu nhập gia đình ở mức thấp và 57% người dân cho hay thu nhập gia đình mình ở mức trung bình.  Đến cuối năm, có 28% người dân chia sẻ rằng thu nhập gia đình tăng lên, 16% người dân khẳng định thu nhập gia đình giảm đi trong khi đa phần, 65% cho hay thu nhập gia đình vẫn giữ nguyên.

Kết quả điều tra về thu nhập cá nhân của người dân khá tương đồng. Nghiên cứu phát hiện chỉ có 3,3% người dân khẳng định túi tiền thu nhập của mình thuộc diện cao. Còn lại, đa phần 67% người dân cho biết có thu nhập cá nhân của họ chỉ ở mức trung bình và 29,7% người dân có thu nhập riêng của họ là thấp.

Có thể thấy, số người dân và hộ gia đình được cho là giàu có rất ít. Xét con số tuyệt đối, chỉ có 49 người trong tổng số 1500 người trả lời và 95 hộ gia đình thuộc diện thu nhập cao.

Thu nhập thường đi đôi với việc chi tiêu và mức sống. Tỷ lệ thuận với vấn đề thu nhập, cuộc khảo sát cũng cho thấy, đa số người dân Hà Nội có mức sống trung bình với tỷ lệ áp đảo là 77%. Trong nửa đầu năm qua, chỉ có 2,9% người dân cho biết vẫn giữ được mức sống cao và số người dân cho hay đang có mức sống thấp cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ là 22%.

 
Thu nhập của người dân Hà Nội đa số ở mức trung bình.
Thu nhập của người dân Hà Nội đa số ở mức trung bình.
Khảo sát về cảm nhận mức sống của người dân năm qua cũng cho thấy, chỉ có số ít người cho biết, tình hình có cải thiện hơn với tỷ lệ 13,8%. Hơn 47% người dân cho biết mức sống năm qua vẫn ngang bằng năm 2012 và cũng có tới 37,8% cho hay, mức sống đã kém hơn rất nhiều.

Như vậy, mức sống của 1/3 người dân Hà Nội đã giảm sút đáng kể so với năm 2012.

Tuy nhiên, mức sống giảm, thu nhập kém đi trong khi, giá cả lại có xu hướng tăng lên. Vì vậy, có tới 1/3 người dân cho biết, cuối năm, họ phải chi tiêu nhiều hơn và hơn một nửa, 57% người dân vẫn giữ tốc độ chi tiêu như đầu năm.

Trong đó, 9,6% người dân mua sắm chủ yếu là đồ dùng trong nhà như ti vi, tủ lạnh, xe máy, ô tô, 6,8% sửa chữa nhà cửa, xây cất nhà, 5,5% người dân đi du lịch. Còn lại, đa phần 76,6% người dân không chi tiêu gì cho việc mua sắm cũng như đi du lịch. Điều đó cũng cho thấy, người dân Hà Nội đã khá tiết kiệm và chỉ mua sắm, chi tiêu vào các việc thiết yếu trong cuộc sống gia đình.

Cùng đó, cũng đã có 24% người dân cho biết đã tích cóp được tiền tiết kiệm nhưng có tới 76% người dân chẳng tiết kiệm được đồng nào. Đến cuối năm, chỉ có 9,8% người dân tiết kiệm được khá hơn so với đầu năm.

Tuy nhiên, sở thích tiêu dùng, mối quan tâm của người dân vẫn luôn là các lĩnh vực “cao cấp” và không liên quan nhiều đến mức sống hay túi tiền thu nhập cao hay thấp.

Trong 6 lĩnh vực được nêu ra, 12,3% người dân Hà Nội quan tâm tới hàng đầu là thị trường bất động sản, kế đến là thị trường lao động 10,8%, thị trường ô tô xe máy là 6,8%, vật liệu xây dựng, sắt thép là 5,5%, nông sản là 3,1%. Riêng thị trường chứng khoán, từng gây mưa bão trong giới đầu tư năm 2007-2008 thì hiện, chỉ có 1,6% người dân Hà Nội quan tâm thị trường này. 60% người dân thì chẳng quan tâm lĩnh vực nào cụ thể.

Theo TS Nguyễn Thiện Thuật, chủ nhiệm dự án nghiên cứu này cho biết, chỉ số niềm tin tiêu dùng là một chỉ số kinh tế -xã hội quan trọng được xây dựng trên cơ sở xử lý kết quả các thông tin từ hoạt động khảo sát một số lượng người nhất định. Chỉ số này được nhiều nước sử dụng không chỉ để đo lường mức độ lạc quan hay bi quan của người tiêu dùng vào bối cảnh hiện tại và tương lai của nền kinh tế, mà nó còn phản ánh mức độ hài lòng hay lo âu về việc làm, thu nhập hiện tại và tương lai của người lao động.

Đánh giá chung, TS Thuật cho hay, nếu như nửa đầu năm, người dân Hà Nội bi quan về nền kinh tế thì đến cuối năm, tâm trạng này đã chuyển biến tích cực hơn, lạc quan hơn. Tuy nhiên, chỉ số niềm tin tiêu dùng tổng hợp chỉ đạt 49,5 điểm, tức dưới ngưỡng trung bình 50 điểm nên trang tái bi quan về nền kinh tế nói chung của người dân vẫn là chủ đạo. Điều này cũng hàm ý rằng, sức khỏe kinh tế của Thủ đô còn yếu nhưng đang có xu hướng phục hồi.