Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ nên bắt buộc ghi âm, ghi hình hỏi cung vụ án nghiêm trọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/11, Quốc hội dành một ngày để thảo luận ở hội trường về các nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Trong đó, các vấn đề có mở rộng cơ quan điều tra hình sự, áp dụng tạm giam với người 70 tuổi trở lên, ghi âm, ghi hình khi hỏi cung… là những vấn đề được ĐB quan tâm.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Kim Tuyến (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. 	Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội Đỗ Kim Tuyến (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Có bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can hay không vẫn còn những quan điểm khác nhau. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa đảm bảo tính minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta thì quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm khác (như tại nơi tiến hành điều tra, tại chỗ ở của bị can) thì theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Trong khi đó, nhiều ĐB dù thống nhất với sự cần thiết này, nhưng lại cho rằng, hàng năm, cơ quan điều tra tiến hành hơn 100.000 vụ án với hơn 100.000 đối tượng, mỗi vụ án, việc hỏi cung phải tiến hành ít nhất 5 lần với hàng tiếng ghi âm, ghi hình, do vậy, việc ghi âm, ghi hình toàn bộ các cuộc hỏi cung là không khả thi. Ngoài ra, chưa kể nếu tiến hành ghi âm, ghi hình toàn bộ các cuộc hỏi cung, việc đầu tư trang thiết bị cho các phòng hỏi cung cơ sở tạm giam tạm giữ cũng lên tới hơn trăm ngàn tỷ đồng. ĐB Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) và nhiều ĐB khác đề nghị, trước mắt chỉ nên thực hiện ghi âm, ghi hình ở những vụ án nghiêm trọng, có dấu hiệu oan sai. “Nên ghi âm, ghi hình trong trường hợp bị can kêu oan ngay từ đầu, bị can phạm tội có khung hình phạt chung thân, tử hình, bị can trong trường hợp hủy án điều tra lại, bị cáo người nước ngoài, trong trường hợp không có bào chữa tham gia” - ĐB Xuyền gợi ý.

Quyền im lặng cũng vẫn còn có ý kiến khác nhau. ĐB Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) đề nghị không quy định trong Dự thảo Bộ luật về quyền im lặng mà vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Vì nếu quy định sẽ gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống tội phạm, nhất là trong những vụ án nguy hiểm như tham nhũng, giết người cướp của, chống phá Nhà nước... Quy định quyền im lặng sẽ làm chậm tiến độ điều tra.

Cùng với đó, trong phiên thảo luận, đa số ý kiến ĐB đề nghị làm rõ nội dung nguyên tắc “suy đoán vô tội” theo hướng “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Quanh việc bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đa số ý kiến đề nghị chỉ bổ sung cơ quan kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, không bổ sung cơ quan thuế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước.