Chỉ nên xét xử trực tuyến vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc chứng cứ rõ ràng

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) kiến nghị nên lựa chọn những vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng và chứng cứ rõ ràng, những vụ án dân sự hành chính có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng đầy đủ.

Thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn, đảm bảo quyền con người, quyền công dân do xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định.
Lựa chọn một số tỉnh thành có điều kiện để tránh đầu tư dàn trải
Nêu kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong đại dịch Covid-19, để bảo vệ an toàn cho người dân, an toàn công cộng thì tòa án tại các quốc gia về cơ bản dừng hoạt động xét xử và các phiên điều trần xét xử cơ bản bị hủy bỏ.
 Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Trước tình hình đó, nhiều quốc gia cũng đã đưa ra những biện pháp để xét xử trực tuyến, để thúc đẩy các tiến độ tố tụng. Qua nghiên cứu pháp luật ở một số quốc gia cho thấy, một số nước đã có các đạo luật quy định về xét xử trực tuyến như Hàn Quốc, Nga, Đức, Ý, Úc và cũng đã được áp dụng trước đại dịch.
Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về các đạo luật tố tụng tư pháp, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, hiện tại có một số quy định về tố tụng hình sự, tố tụng trực tuyến để tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến, ví dụ như nguồn chứng cứ dữ liệu thực hiện việc tống đạt…
Qua nghiên cứu các đạo luật tố tụng cho thấy, hiện tại chưa quy định rõ ràng về phiên tòa trực tuyến, mà chỉ quy định về nguyên tắc xét xử trực tiếp và tại phòng xử án. Theo ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ ba, đây là vấn đề liên quan đến Hiến pháp, liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Chính vì vậy, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị cần phải nghiên cứu thận trọng và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền trước khi trình với Quốc hội. Đại biểu tán thành với chủ trương trình Quốc hội là đúng thẩm quyền. Đây là nội dung mới vì xác định có tính chất lâu dài để xu hướng tới xây dựng tòa án điện tử, tòa án thông minh theo chủ trương của Đảng.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ nên ban hành nghị quyết cho phép tòa án thực hiện thí điểm trong thời hạn 3 năm về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo cơ sở pháp lý.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng kiến nghị nên lựa chọn những vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng và chứng cứ rõ ràng, những vụ án dân sự hành chính có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng đầy đủ. Lựa chọn một số tỉnh thành có điều kiện để tránh đầu tư dàn trải. Sau thời gian thực hiện thì Tòa án nhân dân tối cao sẽ chủ trì và phối hợp với cơ quan đánh giá tổng kết việc thi hành để sửa đổi các luật tố tụng cho phù hợp.
Việc giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì với các cơ quan có liên quan để ban hành hướng dẫn phiên tòa trực tuyến là rất cần thiết. Tuy nhiên để đảm bảo tuân thủ trình tự tố tụng, để đảm bảo quyền lợi ích chính đáng của bị cáo, các đương sự và những người có liên quan trong phiên tòa trực tuyến, đại biểu cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ và đánh giá sát hơn.
Đại biểu Lê Thanh Hòan cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để đưa các nội dung chưa có luật quy định vào trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để tránh việc thông tư hướng dẫn có nội dung khác với các luật tố tụng.
Việc thực hiện phiên tòa trực tuyến phải đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý 
Tại phiên thảo luận, nhiếu đại biểu nhận thấy, xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa có tiền lệ, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần được tiến hành thận trọng, chắc chắn, cần được tổ chức thí điểm để rút kinh nghiệm.
Cần tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành và bổ sung thêm một số nguyên tắc của phiên tòa trực tuyến như dự thảo Nghị quyết nêu “đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật".
Thống nhất với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp để tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Trần Đình Văn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, khẳng định việc thực hiện phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, xét xử trực tiếp nói riêng và tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng tòa án thông minh.
Đại biểu Trần Đình Văn cho biết, phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án theo trình tự luật định, có sử dụng các thiết bị công nghệ liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép các bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không nhất thiết phải có mặt tập trung tại một phòng xử án nhưng vẫn đảm bảo trực tiếp theo dõi và tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đáp ứng yêu cầu các hoạt động xét xử trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, nhiều vụ án đã thụ lý nhưng chưa được mở phiên tòa theo kế hoạch.
 Toàn cảnh Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến
Liên hệ kinh nghiệm của quốc tế, đại biểu Trần Đình Văn nêu rõ, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cũng đã được nhiều nước áp dụng, thể hiện qua nghiên cứu một số quốc gia trên thế giới về tổ chức phiên tòa trực tuyến cho thấy, quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng việc sử dụng công nghệ cao trong việc xét xử đã tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu, không phải chỉ mới phát sinh trong đại dịch Covid-19.Khi đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên thế giới, để bảo đảm hoạt động của hệ thống tòa án được thông suốt, nhiều quốc gia đã nhanh chóng ban hành, ban hành mới sửa đổi, bổ sung luật để ứng phó với đại dịch. Với một số quốc gia, việc áp dụng xét xử trực tuyến chỉ áp dụng cho các vụ việc đơn giản ở cấp xét xử phúc thẩm và trung thẩm, không sử dụng ở cấp sơ thẩm. Về kỹ thuật, phải đảm bảo công nghệ hiện đại, áp dụng thống nhất giữa các tòa án.
Từ thực tiễn, nhiều nước đã thực hiện xét xử trực tuyến và thực tế đại dịch Covid ảnh hưởng khiến nhiều hoạt động vốn trước đây diễn ra dưới hình thức trực tiếp, nay phải chuyển sang hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến. Đại biểu Trần Đình Văn khẳng định, việc Tòa án áp dụng xét xử trực tuyến là không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc thực hiện phiên tòa trực tuyến phải đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý cũng như quyền công dân. Ở Việt Nam, xét xử trực tuyến là vấn đề mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định về hình thức xét xử trực tuyến và cách thức tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến. Việc xét xử liên quan đến nhiều quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.
Do đó, đại biểu Trần Đình Văn đề nghị cần phải bảo đảm thuận lợi cho những người tham gia tố tụng không bị ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan, các chủ thể trong phiên tòa và bảo đảm nguyên tắc của tố tụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo mật, chặt chẽ của quá trình tranh tụng tại phiên tòa, nhưng cũng được đảm bảo theo đúng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời bảo đảm công tác xét xử đúng tiến độ.
Đại biểu Trần Đình Văn đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là xác hợp với tình hình, trạng thái mới hiện nay để các cơ quan tư pháp có cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện phương thức xét xử trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Nghị quyết của Quốc hội để các cơ quan tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Đồng thời đại biểu đề nghị việc thực hiện nghị quyết cần quy định thời hạn cụ thể để Tòa án nhân dân tối cao báo cáo với Quốc hội kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến sau một thời gian thực hiện thí điểm, có thể là 3 năm để rút kinh nghiệm, nghiên cứu làm cơ sở cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến hiệu quả hơn, đảm bảo từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng phán quyết của tòa án có ảnh hưởng rất lớn đến quyền con người, quyền công dân và những vấn đề liên quan đến bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, bảo vệ nhân dân và công lý.
 Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của nghị quyết, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về tố tụng, nhất là nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, nguyên tắc xét xử công bằng, công khai, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc xét xử liên tục… đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan phải bảo đảm nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến.
Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị cần đẩy nhanh, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng tổ chức và tham gia phiên tòa trực tuyến. Bảo đảm các tiêu chí chung đối với hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến. Thực hiện xét xử trực tuyến trên công nghệ mạng Internet, hỗ trợ nhiều giao thức.
Không truyền, lưu trữ các dữ liệu phát sinh trong quá trình xét xử trực tuyến cho các đối tượng không được cấp quyền truy cập. Bảo đảm hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến phải có những chức năng đáp ứng tiêu chí về âm thanh, hình ảnh, chia sẻ màn hình, điều khiển của chủ tọa phiên tòa, đưa người vào hoặc đẩy người ra khỏi phiên tòa. Bảo đảm hệ thống phần mềm phải đáp ứng những tiêu chí về hiệu năng, số lượng điểm cầu và thời gian hoạt động liên tục. Bảo đảm an toàn, bảo mật trong xét xử trực tuyến...